Giao dịch Thương mại điện tử: Vẫn còn nhiều "lỗ hổng" pháp lý

Diễn đàn
09:02 AM 30/11/2024

Ngày 29/11, Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và Luật pháp (STLA), thuộc Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Giao dịch thương mại điện tử - pháp lý và thực tiễn".

Phát biểu tại tọa đàm, LS Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng quản lý STLA cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ và tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức mua sắm, kinh doanh và giao dịch trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, TMĐT đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Các nền tảng TMĐT đã kết nối hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp, mở ra cơ hội mới nhưng cũng kéo theo không ít thách thức.

Giao dịch Thương mại điện tử: Vẫn còn nhiều "lỗ hổng" pháp lý - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Mặc dù TMĐT đang phát triển rất nhanh chóng, nhưng sự phát triển đó không phải là không có những vấn đề cần giải quyết. Trong đó, các vấn đề pháp lý luôn là một thách thức lớn, khi hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn một số khoảng trống và bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. Các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo mật thông tin, chống gian lận thương mại, thuế, hợp đồng điện tử… đang là những vấn đề "nóng" được nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm.

Trong khi đó, theo ông Kiều Công Thược, Chủ tịch HQQT VNFUND, nhiều thách thức từ TMĐT đang đặt ra đối với cơ quan quản lý. Đơn cử, đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân, các sàn TMĐT thu thập một lượng lớn dữ liệu người dùng, bao gồm thông tin thanh toán và lịch sử giao dịch. Tuy nhiên, nhiều sàn chưa có hệ thống bảo mật đạt chuẩn, dẫn đến nguy cơ rò rỉ dữ liệu.

Hay như quy định về thuế, đến nay thuế giá trị gia tăng (VAT) dù đã có quy định cụ thể nhưng chế tài và áp dụng vẫn chưa đồng bộ, nhiều người bán trên các sàn TMĐT là cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ, không đăng ký thuế đầy đủ. Cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc thu thuế từ các giao dịch này, gây nên tranh cãi về trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc thu thuế từ người bán.

Giao dịch Thương mại điện tử: Vẫn còn nhiều "lỗ hổng" pháp lý - Ảnh 2.

Chủ tịch Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự Luật sư Nguyễn Hồng Bách.

Một thách thức khác đặt ra đối với các cơ quan quản lý đó là việc giải quyết khi có tranh chấp hợp đồng xảy ra giữa các bên. Với mô hình TMĐT, thường có ba bên tham gia là sàn TMĐT, người bán và người mua, nhưng khi xảy ra tranh chấp về sản phẩm, rất khó để xác định ai là người chịu trách nhiệm chính. Theo pháp luật Việt Nam, các sàn TMĐT có trách nhiệm kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm của người bán. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm cụ thể của các sàn này còn mơ hồ, đặc biệt trong trường hợp hàng giả và hàng kém chất lượng.

TS. Nguyễn Đức Tài, Giám đốc điều hành Viện STLA đánh giá việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bao gồm các vấn đề như đảm bảo chất lượng sản phẩm, chính sách đổi trả hàng hóa, và bảo mật thông tin cá nhân là những yếu tố then chốt để xây dựng lòng tin trên các nền tảng thương mại điện tử. TS. Nguyễn Đức Tài phân tích tính pháp lý của chữ ký và hợp đồng điện tử, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận giá trị pháp lý của chúng trong thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra những khó khăn trong việc giám sát nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới, nơi mà cơ chế quản lý còn nhiều hạn chế. Cuối cùng, vấn đề giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia giao dịch cũng được ông nhấn mạnh, nhất là trong bối cảnh các giao dịch quốc tế ngày càng phổ biến nhưng vẫn thiếu cơ chế xử lý hiệu quả. Những phân tích này đã khắc họa rõ nét cả tiềm năng lẫn thách thức mà thương mại điện tử đối mặt trong thời đại số.

Giao dịch Thương mại điện tử: Vẫn còn nhiều "lỗ hổng" pháp lý - Ảnh 3.

Tọa đàm khoa học diễn ra đúng Tuần lễ thương mại điện tử Quốc gia.

Theo Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, nguyên Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, giải pháp đặt ra là lúc này là cần hoàn thiện khung pháp lý, cập nhật và bổ sung các quy định về trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc kiểm tra, giám sát nội dung và nguồn gốc sản phẩm; sớm ban hành các quy định cụ thể về quản lý giao dịch xuyên biên giới, đặc biệt là các nền tảng quốc tế hoạt động tại Việt Nam.

PGS.TS Đàm Thanh Thế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, hơn 2.300 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, hàng giả, và gian lận thương mại điện tử đã được xử lý, với tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt 354 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cần áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để phát hiện sớm hành vi gian lận.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để phát hiện sớm các hành vi gian lận trên sàn TMĐT, tiến tới xây dựng hệ thống cảnh báo tự động về các giao dịch bất thường hoặc các sản phẩm có nguy cơ là hàng giả.

công ty True ACTIV đã giới thiệu giải pháp công nghệ "True Data", một giải pháp hiện đại kết hợp công nghệ tem chip RFID, trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. TrueData giúp nhận diện và phân tích dữ liệu nhanh chóng, đồng thời cảnh báo các sản phẩm giả mạo, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường lòng tin và nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng. TrueData không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả kiểm soát hàng giả và gian lận thương mại trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Nhật Mai
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.