Giao lưu trực tuyến “Đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN - Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng”

Chính sách
07:05 AM 20/12/2023

Sáng ngày 19/12/2023, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến Đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN - Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng trên Cổng TTĐT BHXH Thành phố. Ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Khách mời tham gia Chương trình là đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của BHXH thành phố Hà Nội: Ông Ngô Trung Tứ - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - Sổ, Thẻ; Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH; Ông Chu Quang Dũng - Phó Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra; Bà Lê Thị Ngọc Nghĩa - Phó Trưởng phòng Truyền thông,...

Giao lưu trực tuyến “Đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN - Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng”- Ảnh 1.

Các chuyên gia trả lời tại buổi buổi giao lưu trực tuyến.

Phát biểu khai mạc chương trình giao lưu, ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH thành phố cho biết, BHXH TP Hà Nội luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật để người lao động chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, BHXH TP thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động như chế độ BHXH, BHYT, BHTN, qua đó phát hiện những vi phạm, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động làm tại doanh nghiệp từ 1 tháng trở nên thì chủ doanh nghiệp phải tham gia BHXH cho người lao động. Nếu phát hiện chủ doanh nghiệp không tham gia BHXH cho mình, người lao động cần phối hợp với tổ chức Công đoàn kiến nghị cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi.

Thời gian qua, BHXH thành phố Hà Nội đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến vấn đề giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN trong đơn vị chậm đóng BHXH. Đây cũng là vấn đề "nóng" được xã hội quan tâm. Thông qua việc tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN - Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng", BHXH thành phố Hà Nội không chỉ trực tiếp lắng nghe và giải đáp một cách kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân, người lao động và doanh nghiệp, mà còn giúp tăng cường năng lực quản lý, điều hành của cơ quan BHXH. Từ đó, hỗ trợ người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thuận tiện, kịp thời.

Trong thời gian giao lưu, đại diện các phòng nghiệp vụ sẽ tiếp nhận và trả lời các câu hỏi của độc giả liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Sau thời gian tiếp nhận, các câu hỏi còn lại sẽ được Ban Tổ chức chuyển đến cho các đơn vị chức năng trả lời trong thời gian sớm nhất.

Câu 1. Bạn đọc có email theanh86xx@gmail.com hỏi:

Tôi đã nghỉ việc ở công ty cũ từ tháng 11/2023. Tuy nhiên hiện tại do công ty cũ của tôi chưa hoàn thành nghĩa vụ BHXH cho nhân viên nên tôi chưa chốt được BHXH bên công ty cũ. Tôi muốn hỏi khi tôi đi làm công ty mới và muốn tham gia BHXH từ tháng 12/2023 thì có được không?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ trả lời:

1. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

"a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;…"

Vì vậy, trường hợp bạn ký HĐLĐ từ đủ 01 tháng trở lên tại công ty mới thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

2. Xác nhận sổ BHXH đối với đơn vị nợ

Căn cứ điểm 1.2 Khoản 1 Điều 46 quy định việc ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trong sổ BHXH: "đối với đơn vị chậm đóng tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH".

Đề nghị bạn liên hệ với công ty cũ yêu cầu thực hiện trách nhiệm đóng đủ và xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Câu 2: Bạn đọc có địa chỉ email trongtrixxx@gmail.com hỏi:

Tôi và một số người lao động tại Công ty xây dựng đã nghỉ hưu, nhưng do đơn vị chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội (BHXH) nên chưa được lĩnh lương hưu. Vậy, chúng tôi cần làm thế nào để được hưởng lương hưu?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ trả lời:

Căn cứ khoản 5 Điều 21 Luật BHXH năm 2014 quy định trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động: "Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật".

Căn cứ điểm 1.2 Khoản 1 Điều 46 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam quy định việc ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trong sổ BHXH: "đối với đơn vị chậm đóng tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH".

Đề nghị bạn liên hệ với công ty cũ yêu cầu thực hiện trách nhiệm đóng đủ và xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Câu 3: Bạn đọc có địa chỉ email quynhhuongxxx@gmail.com hỏi:

Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động là gì?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Theo điều 21 Luật BHXH 2014 quy định: Trách nhiệm của người sử dụng lao động:

1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

7. Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.

Câu 4: Bạn đọc có email Hotung213xx@gmail.com hỏi:

Tôi đã làm việc chính thức gần 2 tháng nhưng công ty chưa lập hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội cho tôi, như vậy có công ty có vi phạm pháp luật và bị xử phạt không?

Chuyên gia Ngô Trung Tư trả lời:

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

"a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;…"

Căn cứ Điều 17 Luật BHXH quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

"1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp".

Căn cứ Khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: "Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội".

Vì vậy, nếu bạn đã ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên thì theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, công ty có trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc cho bạn. Trong trường hợp này, công ty không đóng BHXH cho người lao động, tức là đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội khi đó, công ty sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Đồng thời, sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Câu 5: Bạn đọc có địa chỉ email binhnguyen68xxx@gmail.com hỏi:

Người sử dụng lao động sẽ phải khắc phục như thế nào khi chậm đóng BHXH ?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Chậm đóng tiền BHXH, BHTN là hành vi bi nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật BHXH 2014.

Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH 2014 quy định: "Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội".

Câu 6: Bạn đọc có địa chỉ hoanganhxx@gmail.com:

Mức phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp chậm đóng BHXH là như thế nào?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Theo quy định tại điểm a khoản 5, điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022:

Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: "Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp....";

Tuy nhiên tại Điều 6 của Nghị định này quy định: Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Câu 7: Bạn đọc có email thuhoaxx@gmail.com hỏi:

Tôi nghỉ thai sản và có gửi giấy khai sinh để cty thanh toán chế độ thai sản cho tôi, nhưng mãi tôi ko nhận được tiền thai sản. Hỏi thì cty trả lời là đã làm hồ sơ thanh toán cho tôi nhưng do công ty đóng tiền BH 3 tháng một lần nên phải đợi công ty đóng tiền BH thì tôi mới nhận được tiền thai sản. Công ty trả lời tôi như vậy có đúng không?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ trả lời:

Theo quy định tại 2, Khoản 3, Điều 31, Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con: "Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con"

Bạn đủ điều kiện quy định nêu trên thì được hưởng chế độ thai sản.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam hướng dẫn về phương thức đóng bảo hiểm xã hội như sau:

"Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước"

Trường hợp đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng hằng tháng, 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan BHXH; cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan Lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

Như vậy, Công ty bạn có trách nhiệm phải chuyển tiền đóng BHXH đã trích trừ của người lao động hàng tháng cùng với tiền đóng của chủ sử dụng lao động theo tỷ lệ phần trăm qui định về cơ quan BHXH để để được hưởng chế độ BHXH kịp thời.

Câu 8: Bạn đọc có email đinhhieuxxx@gmai.com hỏi:

Bác tôi sinh ngày 23/10/1973 đã tham gia BHXH từ năm 1/1998 đến nay, thời gian tham gia BHXH cũng được gần 25 năm. Do Bác tôi bị mắc bệnh hiểm nghèo nên không còn đủ sức khỏe để lao động, Vậy tôi xin hỏi bác tôi có được làm thủ tục xin nghỉ hưu sớm không và thủ tục cần phải chuẩn bị những gì?, Nếu được nghỉ hưu sớm thì quyền lợi của bác tôi được hưởng như thế nào? Xin BHXH Việt Nam tư vấn và hỗ trợ giúp! Tôi xin chân thành cảm ơn!

Chuyên gia Bùi Anh Tuấn trả lời:

Về điều kiện hưởng lương hưu theo quy định hiện hành tại Điều 169, khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ- CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ; cụ thể như sau:

a) Tuổi nghỉ hưu của người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trong điều kiện lao động bình thường: Năm 2021 là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035

b) Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu nếu có đủ 20 năm đóng BHXH và thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

- Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm (NNĐHNH) hoặc đặc biệt NNĐHNH thuộc danh mục do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành; Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.

- Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021) từ đủ 15 năm trở lên

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

c) Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường nếu có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và thêm một trong các điều kiện sau:

- Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

d) Người lao động không bị quy định giới hạn về tuổi đời khi đã có đủ 20 năm đóng BHXH và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;

- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt NNĐHNH thuộc danh mục do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Do bạn không nêu cụ thể bác của bạn là lao động nam hay nữ và cụ thể tình trạng mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa có căn cứ để trả lời cụ thể cho bác của bạn. Căn cứ các quy định nêu trên, bác của bạn có thể áp dụng vào trường hợp của mình để xem xét điều kiện hưởng chế độ hưu trí của mình.

Câu 9: Bạn đọc có địa chỉ email quyenanh74xx@gmail.com hỏi:

Tội làm giả hồ sơ để lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH thì bị xử lí như nào?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, điều 214 Luật Hình sự 2015 tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp:

"Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;

b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp".

Đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng (Theo quy định tại khoản 2 điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022).

Đối với người lao động hành vi vi phạm: Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022).

Câu 10: Bạn đọc có địa chỉ email trangtranxx@gmail.com hỏi:

Công ty tôi hiện tại do tình hình khó khăn nên đang chậm đóng BHXH 1 tháng nhưng tôi bị gãy tay phải vào viện thì không biết có được BHXH giải quyết chế độ ốm đau không?

Chuyên gia Bùi Anh Tuấn trả lời:

Tại khoản 1 Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: "Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau". Trường hợp của Bạn nếu đang đóng BHXH mà bị tai nạn gãy tay mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế và trường hợp tai nạn của Bạn không phải do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì Bạn sẽ được giải quyết hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

Căn cứ điểm 1.2 Khoản 1 Điều 46 quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Công văn số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành văn bản hợp nhất quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ -BNN quy định việc ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trong sổ BHXH: "đối với đơn vị chậm đóng tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. …".

Đề nghị bạn liên hệ với công ty cũ yêu cầu thực hiện trách nhiệm đóng đủ và xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định để được hưởng chế độ BHXH kịp thời.

Câu 11: Bạn đọc có địa chỉ email linhngaxx@gmail.com hỏi:

Tội trốn đóng BHXH bị xử lý thế nào?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Theo quy định tại điều 216 Luật Hình sự 2015: "Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng (Theo quy định tại điểm a khoản 7 điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022).

Câu 12: Bạn đọc có email Levan251xx@gmail.com hỏi:

Công ty em có 1 lao động được nâng lương từ tháng 04/2023, do sơ suất bộ phận nhân sự quên không báo tăng điều chỉnh lương đóng BHXH cho lao động ấy, bây giờ mới phát hiện ra là nv ấy vẫn đóng BHXH theo mức lương cũ. Cho e hỏi công ty e có thể báo điều chỉnh lương đóng BH cho nv ấy ngược lại từ tháng 4/2023 không, và có bị phạt không?

Chuyên gia Ngô Trung Tứ trả lời:

Theo khoản 1.3, Điều 38 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam, hướng dẫn truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN qui định: "Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm ký quyết định hoặc HĐLĐ (phụ lục HĐLĐ) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng"

Như vậy, công ty bạn có thể lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH nơi công ty đang tham gia đóng BHXH đề nghị truy thu điều chỉnh tăng lương cho nhân viên đó. Việc báo điều chỉnh tăng lương muộn ngoài việc đơn vị phải đóng bù số tiền chênh lệch lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN còn phải đóng tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng. Quy định truy thu thực hiện theo điều 38 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam.

Câu 13: Bạn đọc có email trungvanxxx@gmai.com hỏi:

Xin chào, e chuẩn bị nộp hồ sơ nhận bảo hiểm xã hội 1 lần. E có 1 số câu hỏi còn khúc mắc, mong quý AC giải đáp cho e ạ. Nội dung yêu cầu giải quyết : Giải quyết hưởng BHXH một lần đối với NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (có hiệu lực từ 01/01/2022) Điều kiện : NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn. - Hồ sơ cần thiết bao gồm những gì ạ? - Nếu gửi hồ sơ qua đường bưu điện thì em cần gửi đi đâu ạ? (địa chỉ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ, email, số điện thoại) - Tôi có người bạn sống ở thủ đô Hà Nội. Trong trường hợp ủy quyền cho người khác thì có thể đến cơ sở ở Hà Nội được không ạ?

Chuyên gia Bùi Anh Tuấn trả lời:

Mục 3 Điều 15 Nghị định 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 quy định đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam: "Trong thời hạn 10 ngày tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thời điểm giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực (tùy thuộc điều kiện nào đến trước) mà người lao động không tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động hoặc không được gia hạn giấy phép, người lao động có yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội".

1.Thủ tục giải quyết hưởng BHXH 1 lần đối với lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

Điều 109 Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng BHXH 1 lần gồm:

- Sổ BHXH bản chính đã chốt quá trình tham gia BHXH;

- Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần (Mẫu số 14 HSB theo QĐ số 166/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam);

- Hộ chiếu được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Giấy tờ ủy quyền theo quy định của pháp luật hiện hành (nếu có).

2. Nơi nhận hồ sơ:

Nội dung câu hỏi bạn gửi cho chúng tôi không ghi rõ thông tin liên quan đến quá trình tham gia BHXH (mã số BHXH) của bạn do đó chúng tôi không trả lời chi tiết câu hỏi bạn gửi chúng tôi.

Vậy trường hợp của bạn, bạn gửi hồ sơ đến cơ quan BHXH gần nhất hoặc bạn đến cơ quan BHXH gần nhất để được hướng dẫn trực tiếp.

3. Về nội dung ủy quyền nhận chế độ BHXH 1 lần: Theo Khoản 6 Điều 18 Luật BHXH năm 2014 quy định quyền của người lao động: "Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội".Như vậy, trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng hưởng BHXH một lần theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP được ủy quyền cho người khác nhận tiền BHXH một lần. Nội dung thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn tại giấy ủy quyền Mẫu số 13-HSB ban hành kèm theo Nghị định số 143/2018/NĐ-CP (bản song ngữ).

Theo quy định hiện hành của BHXH Việt Nam thì nơi nộp hồ sơ hưởng chế độ BHXH là nơi thực hiện chi trả chế độ BHXH của người lao động.

Vậy trường hợp của bạn, người nhận ủy quyền của bạn nộp hồ sơ tại BHXH quận/huyện/thị xã nơi người được ủy quyền đang cư trú để làm thủ tục hồ sơ giải quyết chế độ BHXH một lần.

Câu 14: Bạn đọc có email loandang9xx@gmail.com hỏi:

Tôi đã nộp hồ sơ thai sản cho công ty đẻ làm thủ tục thai sản và tôi muốn biết tiền bảo hiểm thai sản được hưởng là bao nhiêu, tôi có thể xem trên ứng dụng VssID không?

Chuyên gia Lê Thị Ngọc Nghĩa trả lời:

Bạn có thể xem số tiền hưởng chế độ thai sản trên ứng dụng VssID khi hồ sơ thai sản của bạn đã được cơ quan BHXH giải quyết theo các bước sau:

Bước 1: Đăng nhập ứng dụng VssID trên điện thoại.

Bước 2: Chọn "Thông tin hưởng".

Bước 3: Chọn "ODTS", lúc này thông tin hưởng chế độ ốm đau, thai sản sẽ hiện đầy đủ bao gồm: nội dung chế độ hưởng; ngày tháng năm hưởng; số tiền hưởng và tên đơn vị công tác.

Câu 15: Bạn đọc có địa chỉ email dungvtxx@gmail.com hỏi:

Cơ quan BHXH có thẩm quyền thanh tra đơn vị chậm đóng BHXH không ?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Theo khoản 6 điều 2 Nghị định 89/2020/NĐ-CP ngày 04/8/2020 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: "Thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật".

....

PV
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2

Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.