Giáo sư Phan Văn Trường: Giới trẻ mắc sai lầm với tư duy "làm sao để giàu", muốn giàu như các tỷ phú thì phải có "số"
Trong buổi chia sẻ gần đây tại Salon Văn hoá Cà phê Thứ 7, giáo sư Phan Văn Trường khẳng định dân tộc Việt Nam vốn thông minh, chuyên cần nhưng thế hệ trẻ ngày nay có rất ít sự kết nối với nhau, tạo nên sự đứt gãy trong kế thừa nền tảng tri thức và trải nghiệm cuộc sống. Điều này gây ra nhiều bất lợi khi chỉ trong vài thập kỉ nữa, thế hệ trẻ hiện tại sẽ đảm đương trọng trách làm chủ đất nước.
Một quan điểm đang thịnh hành thời gian gần đây ở giới trẻ là: Sự lựa chọn quan trọng hơn sự cố gắng! Quan điểm này vô tình làm cho các bạn trẻ trở nên rất hoang mang khi đứng trước những chuyện quan trọng của tương lai như tình yêu, sự nghiệp. Theo Giáo sư, chúng ta nên lựa chọn làm sao để thấy hạnh phúc!
Chia sẻ về lựa chọn sự nghiệp của mình, ông Phan Văn Trường kể: "Năm 1967, thầy thi đậu 7 trường đại học bên Pháp. Bạn thầy người thì khuyên học viễn thông vì ngành này sẽ phát triển mạnh, có người khuyên học thiết kế tàu thuyền, có người thì khuyên học ngành điện… cuối cùng thầy quyết định chọn ngành cầu đường vì ý nghĩ sau này sẽ làm được nhiều điều có ích như ông Hoàng Xuân Hãn – cựu sinh viên Trường Cầu đường Paris".
Tiếp đến, Giáo sư Phan Văn Trường cũng chỉ ra hai sai lầm lớn mà các bạn trẻ ngày này hay mắc phải. Đó là "vội vàng" và tư duy "làm sao để làm giàu".
Về sai lầm thứ nhất, khi chọn nghề, Giáo sư ví dụ: "Các bạn đặt thời gian sang năm phải làm giám đốc, hai năm phải tổng giám đốc và ba năm nữa thu nhập 50.000 USD/tháng". Tuy nhiên, lựa chọn này chưa hẳn làm chúng ta hạnh phúc.
Định nghĩa về hạnh phúc khi làm việc, Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng: Đầu tiên là được làm việc với người kính trọng mình, làm việc cho một người sếp sáng suốt, minh triết và bình đẳng. Sau đó, công việc phải phù hợp với nếp sống, nói cách khác là ngoài công việc, chúng ta còn có đủ thời gian để dành cho gia đình mình.
Về sai lầm thứ hai, các bạn trẻ không hiểu việc làm giàu sao cho đúng. Giáo sư chỉ ra có hai nấc của cải. Nấc thứ nhất là chúng ta làm bất cứ công việc gì, miễn là có đủ thu nhập để gia đình sống êm ấm. Nấc thứ hai là giàu có như các tỉ phú nổi danh thì phải có "số (mệnh)", chứ không phải chỉ chọn đúng nghề là được.
Vì thế, giáo sư Phan Văn Trường khuyên các bạn trẻ khoan hãy nghĩ đến chuyện làm giàu, mà trước tiên hãy nghĩ đến việc xây dựng một sự đủ đầy về mặt vật chất và đủ đầy về hạnh phúc
Trước khi trở thành một người đặc biệt có tầm ảnh hưởng lớn, chúng ta nên làm tốt vai trò là nhân tố bình thường giúp xã hội vận hành đều đặn. Thêm vào đó, các bạn trẻ cần học tính khiêm nhường, cầu thị và tôn trọng trong cách đối xử với đồng nghiệp.
Sống trong xã hội, chúng ta cần quan sát để tìm đúng con đường tiến bộ của mình. Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng, lí luận phải cố gắng học để lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ, để nhanh chóng thăng tiến sự nghiệp và đạt đến thành công, chỉ đúng với một vài người, chứ không phải tất cả.
"Những lí luận như thế và nhiều lí luận sai lầm khác đang làm giới trẻ "trật đường ray" trên đường đời. Các bạn trẻ cần xem xét lại khung thời gian của mình đã định ra cho sự thành công. Hơn 99% người trên thế giới không làm tỉ phú năm 30 tuổi nên người hạnh phúc trong giai đoạn này là tạo được không khí ấm áp, bao dung xung quanh mình trong môi trường làm việc. Chính sự ấm áp, bao dung đó kết hợp với tính khiêm nhường, không ngừng tự học tập, sẽ dẫn dắt chúng ta lên đỉnh cao trong sự nghiệp về sau.", Giáo sư Trường kết luận.
Ngọc ĐứcNgày 28/11, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.