Giáo viên, phụ huynh học sinh Trường Pascal và Trường Newton gửi đơn kiến nghị lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Đời sống
08:05 AM 17/09/2020

Trong khi hàng vạn học sinh trên cả nước vừa được tưng bừng tham dự lễ khai giảng năm học mới 2020 – 2021 thì tại Thủ đô Hà Nội, hơn 1000 học sinh của Trường TH - THCS Pascal lại tiếp tục không được dự lễ khai giảng thiêng liêng tại ngôi trường của mình. Thực trạng trên kéo dài đến nay đã 2 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Đơn này được gửi đi sau khi diễn ra các phiên tòa xét xử sơ thẩm các ngày 23, 25, 26/11/2019 của Tòa án quận Bắc Từ Liêm và phúc thẩm ngày 19 và 28/8/2020 của Tòa án TP Hà Nội về vụ án tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư giữa hai trường Newton, Pascal và Công ty CP Đầu tư và Phát triển giáo dục TDS (Công ty TDS).

Trong khi hàng vạn học sinh trên cả nước vừa được tưng bừng tham dự lễ khai giảng năm học mới 2020 – 2021 thì tại Thủ đô Hà Nội, hơn 1000 học sinh của Trường TH - THCS Pascal lại tiếp tục không được dự lễ khai giảng thiêng liêng tại ngôi trường của mình. Thực trạng trên kéo dài đến nay đã 2 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân của tình trạng trên là do tranh chấp Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Trường Newton, Trường Pascal với Công ty TDS do bà Trần Kim Phương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Đơn kiến nghị của phụ huynh và giáo viên Trường Pascal và Newton gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Công ty TDS có trụ sở tại số 96, phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ngày 3/8/2011, Công ty được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal tại các ô đất NT, TH1 và TH2, Khu dô thị mới Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) với diện tích gần 27,5 nghìn m2. Ô đất TH1 có diện tích gần 12 nghìn m2, có chức năng xây dựng Trường THCS.

Ngày 3/11/2016, Công ty TDS do bà Trần Kim Phương đại diện (bên A) và Trường Newton (bên B) ký Hợp đồng chuyển nhượng một phần lô đất TH1, chuyển nhượng Trường Liên cấp Pascal và hợp tác xây dựng, điều hành Trường Pascal. Trong đó, có nội dung được ghi tại khoản b, Điều 1: Bên A đồng ý chuyển nhượng và bên B đồng ý nhận chuyển nhượng 50% của 8.500 m2 đất thuộc lô TH1, tương đương 4.250 m2 đất, với tổng giá trị tạm tính là gần 23,3 tỷ đồng. Ngoài ra, tại hợp đồng này, bên B đồng ý chuyển nhượng và bên A đồng ý nhận chuyển nhượng 40% cổ phần của Trường Liên cấp Pascal (do bên B là chủ sở hữu hợp pháp) với giá chuyển nhượng là 3,6 tỷ đồng. Ngày 19/1/2017, hai bên ký tiếp Phụ lục 01 và Hợp đồng Chuyển nhượng một phần lô đất TH1, chuyển nhượng Trường Liên cấp Pascal và hợp tác xây dựng, điều hành Trường Pascal với nội dung: 2 bên xác định cổ phần của TDS chuyển cho Newton chiếm 13,09%, tương đương 3.600 m2 đất trên lô đất TH1.

Hợp đồng đã ký như vậy, tuy nhiên, khi thực hiện, đã xảy ra tranh chấp. Cụ thể, bà Trần Kim Phương thay mặt Công ty TDS đã khởi kiện Trường THCS &THPT Newton không thực hiện Hợp đồng về việc chuyển nhượng thương hiệu Trường Pascal theo tỷ lệ 51/49.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra các ngày 23, 25, 26/11/2019, TAND quận Bắc Từ Liêm đã tuyên Trường Pascal và Trường Newton được nhận lại ngôi trường trên lô đất TH1.

Không đồng ý với quyết định nói trên của tòa án, Công ty TDS do bà Trần Kim Phương đại diện đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án cấp sơ thẩm. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm diễn ra ngày 28/8/2020 tại TAND TP Hà Nội, đại diện VKSND TP Hà Nội nhận định, bản án sơ thẩm tuyên là có căn cứ, đúng quy định pháp luật và đề nghị HĐXX bác kháng cáo của Công ty TDS, sửa bản án sơ thẩm của TAND quận Bắc Từ Liêm, tuyên bố về hợp đồng kinh tế chuyển nhượng một phần lô đất TH1, Trường liên cấp Pascal, hợp tác xây dựng ký ngày 3/11/2016 có hiệu lực một phần và vô hiệu phần chuyển nhượng Trường liên cấp Pascal.

Giáo viên, phụ huynh học sinh Trường Pascal và Trường Newton gửi đơn kiến nghị lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Ảnh 2.

Bản án số 27/2019/KDTM ngày 23-25,26-11-2019 V/v "Tranh chấp Hợp đồng hợp tác đầu tư" của Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm.

Theo lịch, chiều 4/9/2020, TAND TP. Hà Nội sẽ tuyên án phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác giữa 2 cổ đông CTCP Đầu tư và Phát triển TDS. Tuy nhiên, HĐXX quyết định quay lại phần xét hỏi và yêu cầu các bên nộp bổ sung hồ sơ quyết định giao đất lô TH1, TH2. Sau đó, tòa tuyên tạm hoãn phiên tòa để xem xét thêm hồ sơ bổ sung.

Vụ việc kéo dài đã khiến hơn 1.000 học sinh trường này phải đi khai giảng và học nhờ nơi khác trong 2 năm liên tiếp, ảnh hưởng lớn đến việc học tập. Quá buồn, quá thất vọng, hàng trăm phụ huynh, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal và Trường THCS - THPT Newton cùng viết tâm thư gửi kiến nghị đến các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng. Trong đơn hàng trăm phụ huynh lo sợ và hoang mang: "liệu con em và học sinh của chúng tôi sẽ đi đâu học trong năm học này và tiếp theo thế nào? Công lý có được bảo vệ?".

Ông Nguyễn Minh Tuấn, một phụ huynh có con học tại ngôi trường nói trên bức xúc: "Chúng tôi đã chờ đợi hơn 2 năm để giải quyết các tranh chấp đó, nhưng các bên vẫn chưa giải quyết ổn thỏa, gây ảnh hưởng tới tâm lý của các bậc phụ huynh, các em học sinh, chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng quận Bắc Từ Liêm cần vào cuộc, cùng với nhà trường đưa ra các biện pháp tốt nhất để các con có môi trường học tập lành mạnh, yên ổn".

Đồng quan điểm với ông Tuấn, chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc, một phụ huynh khác cũng cho rằng: "Chúng tôi gửi con đến nhà trường ngoài việc học tập thì vấn đề an toàn cần phải được đặt lên hàng đầu, đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn không hiểu vì sao vẫn chưa được giải quyết, nếu vướng mắc thì 2 bên cần ngồi lai làm việc với nhau, đồng thời chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc".

Thiết nghĩ, đây là một kiến nghị chính đáng và xác thực, các cơ quan chức năng có thẩm quyền nên nghiêm túc xem xét, hỗ trợ tạo điều kiện cho nhà trường để sớm đưa các em học sinh về học tập ổn định lâu dài tại lô TH1 đảm bảo quyền lợi học tập tại một môi trường giáo dục an toàn, ổn định, cũng như để phụ huynh yên tâm khi cho con theo học.

Hoàng Thái
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.