Gìn giữ hồn cốt văn hóa xứ Lạng
Trên mảnh đất biên cương Lạng Sơn, nơi hội tụ của nhiều tộc người và bản sắc văn hóa lâu đời, dân ca và dân vũ đã ăn sâu vào đời sống, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Đó là những di sản quý giá, phản ánh sức sáng tạo và vun đắp giá trị tinh thần qua nhiều thế hệ.
Trước dòng chảy không ngừng của xã hội hiện đại, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đã và đang tích cực thực hiện sứ mệnh quan trọng: bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của những "điệu xưa", để chúng tiếp tục khẳng định sức sống mãnh liệt.
Khi di sản là tiếng nói của cộng đồng
Trong kho tàng văn hóa phong phú của Lạng Sơn, hai loại hình tiêu biểu, mang đậm hồn cốt dân tộc là hát Then của người Tày, Nùng và hát Sli của người Nùng.
Thực hành Then không chỉ là một hình thức nghệ thuật trình diễn, mà là một di sản sống, một nghi lễ diễn xướng dân gian tổng hợp, vừa phục vụ đời sống tâm linh, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của cộng đồng. Với tiếng đàn tính réo rắt và lời ca khi trầm khi bổng, Then như cây cầu nối liền cõi thực và cõi thần tiên.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 600 nghệ nhân đang thực hành Then, trong đó 34 người đã được vinh danh Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Đây là minh chứng cho thấy Then vẫn đang âm thầm chảy trong huyết mạch văn hóa của tỉnh.
Nghệ nhân Ưu tú Bế Thị Vẩn, thôn Nà Ván (huyện Tràng Định), người có trên 70 năm thực hành then cổ, chia sẻ: "Một trong những điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Nội dung các khúc hát đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi làng bản, quê hương...". Lời then vì thế không chỉ là câu hát, mà còn là triết lý, là di sản tinh thần được trao truyền qua nhiều thế hệ.

Hát then của dân tộc Tày huyện Bắc Sơn (langsongeopark)
Khác với màu sắc linh thiêng của Then, hát Sli của người Nùng lại gắn bó mật thiết với những cuộc vui, lao động sản xuất và những màn đối đáp giao duyên. "Sli" trong tiếng Nùng nghĩa là "thơ", và hát Sli chính là hình thức hát đối đáp đầy ý nhị giữa các cặp nam nữ.
Với các lối hát cơ bản như hát nói (đọc thơ), xướng sli (ngâm thơ) và dằm sli (lên giọng hát), những tâm tư tình cảm được bộc bạch một cách khéo léo. Năm 2019, hát Sli của người Nùng tỉnh Lạng Sơn đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một sự khẳng định mạnh mẽ cho giá trị của loại hình nghệ thuật này. Giữa phiên chợ Kỳ Lừa náo nhiệt hay trong các dịp lễ, Tết, tiếng Sli vẫn vang lên, như một nét duyên thầm lặng giữa lòng đô thị.

Hát sli giao duyên tại ngày hội Háng Pỉnh. (Baodantoc)
Nỗ lực bền bỉ để di sản tiếp tục sống
Trước thách thức từ tốc độ đô thị hóa và sự lấn át của các loại hình giải trí hiện đại, nguy cơ mai một di sản văn hóa là hiện hữu. Nhận thức rõ điều này, ngành VHTT&DL tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, ngành đã tích cực triển khai các biện pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn; rà soát, kiểm kê và lập danh mục các loại hình dân ca, dân vũ; xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản. Đặc biệt, tỉnh chủ trương lấy di sản văn hóa làm nền tảng, động lực để phát triển du lịch, ưu tiên đưa các tiết mục hát Sli, Then vào các chương trình, sự kiện văn hóa lớn.
Từ năm 2016 đến nay, các lớp tập huấn về Luật Di sản văn hóa đã được tổ chức tại 11/11 huyện, thành phố cho hàng nghìn lượt người. Song song đó, việc triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã thổi luồng sinh khí mới vào các hoạt động bảo tồn tại cơ sở. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập trên 12 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng theo mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian, trở thành những nơi ươm mầm, truyền dạy và thực hành di sản, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tại các địa phương.
Thổi hồn đương đại vào điệu xưa
Bảo tồn không có nghĩa là cất giữ trong viện bảo tàng. Để di sản thực sự sống, nó cần được hòa vào hơi thở của thời đại. Đây chính là con đường mà Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đang theo đuổi: đưa chất liệu dân gian lên sân khấu chuyên nghiệp.
Đội ngũ đạo diễn, biên đạo của Đoàn đã dành nhiều thời gian đi thực địa ở các bản làng để nghiên cứu, sưu tầm dân ca, dân vũ truyền thống, tạo chất liệu nền cho sáng tạo nghệ thuật. Tiêu biểu như tiết mục múa "Lảy cỏ" được trình diễn tại lễ hội Háng Pò (huyện Bình Gia) vào tháng 5/2024. Điệu múa tái hiện trò chơi dân gian của người Nùng Phàn Slình, thể hiện duyên dáng đời sống lao động, tình cảm lứa đôi, qua đó giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu hơn về văn hóa dân tộc mình.
Bà Hoàng Thị Hà, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh, cho biết: "Chúng tôi tập trung vào việc nghiên cứu, sưu tầm chất liệu các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống để đưa vào sáng tác, biên đạo các tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc. Đồng thời, không ngừng sáng tạo, tạo ra những tác phẩm mới, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại".
Hành trình gìn giữ điệu xưa ở Lạng Sơn là câu chuyện về tình yêu và trách nhiệm với di sản. Nó không chỉ là việc bảo tồn một loại hình nghệ thuật, mà sâu xa hơn là gìn giữ ký ức cộng đồng và niềm tự hào văn hóa.
PV
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã chính thức công bố báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2025, trong đó phản ánh niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam dù đối mặt với những biến động quốc tế và một số trở ngại nội tại tạm thời trong tiến trình cải cách.