Gìn giữ nghề đậu bạc làng Định Công
Làng Định Công (Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề kim hoàn đặc biệt là nghề đậu bạc. Đây là một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long còn tồn tại đến ngày nay.
Hà Nội nổi tiếng là thành phố lâu đời và sở hữu nền văn hóa di tích lịch sử rộng lớn của đất nước Việt Nam. Hà Nội lôi kéo du khách vì nó mang nét cổ kính và nhiều nét văn hóa độc đáo và có thiên nhiên xinh đẹp. Tới Hà Nội, du khách có thể chọn vô số điểm du lịch lý thú từ phong cảnh tự nhiên đến văn hóa lịch sử để thăm quan. Và một điểm tham quan khá thú vị du khách có thể chọn trong hành trình du lịch Thủ đô là làng Định Công - làng nghề cổ có truyền thống chế tạo kim hoàn.
Làng Định Công xưa vốn sở hữu một nghề trong "tứ nghệ tinh" của đất cũ Thăng Long: "Lĩnh Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã", ý chỉ là tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long.
Làng nghề Định Công thuộc phường Định Công ngày nay (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trải qua nghìn năm lịch sử, lọt thỏm giữa những tòa cao ốc trọc trời thì mảnh đất Định Công nhỏ bé giữa lòng Thủ đô vẫn còn lưu lại những vết tích lịch sử quý giá về một thời kỳ hưng thịnh của văn hóa nước nhà.
Theo sách sử, nghề đậu bạc làng Định Công đã có khoảng 1500 năm nay. Sản phẩm đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất Kinh kỳ xưa và nhiều nghệ nhân được vào Kinh thành làm đồ trang sức cho Triều đình. Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 50-60% gia đình theo nghề kim hoàn. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, số gia đình theo nghề đậu bạc ở Định Công chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Theo thời gian, nghề đậu bạc ở Định Công gần như mai một, nhưng giữa sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, vẫn còn những người yêu nghề, gắn bó và gìn giữ gia sản của cha ông. Đến nay, làng Định Công chỉ còn hai gia đình nghệ nhân tiếp tục nghề đậu bạc truyền thống. Đó là nghệ nhân Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu.
Họ đã và đang giữ nghề, truyền nghề và từng bước đưa nghề đậu bạc có chỗ đứng trên thị trường đồng thời đào tạo những người thợ nghề đậu bạc tự tin sống được bằng nghề, cống hiến cho công chúng những sản phẩm đậu bạc đẹp về mỹ thuật, ý nghĩa về văn hóa, làm đẹp, làm sang cho người sử dụng.
Nghề đậu bạc biểu trưng cho sự tinh xảo của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, hoàn toàn làm thủ công và không thể thay thế bằng máy móc. Ngoài đôi bàn tay khéo léo, người thợ đậu bạc phải có con mắt thẩm mỹ cao và sự kiên nhẫn vô bờ mới có thể làm được một tác phẩm hoàn hảo.
Đến với làng Định Công, du khách có thể hỏi xưởng đậu bạc của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh (con trai út của nghệ nhân Quách Văn Trường) để được ngắm và khám phá quá trình đậu bạc đầy khéo léo của các nghệ nhân.
Trước tiên, người thợ kim hoàn phải nấu bạc thành thoi sau đó cán kéo và rút thành từng sợi nhỏ như sợi chỉ hoặc tóc. Tiếp đến họ xe hai hoặc ba sợi giống như sợi dây thừng rồi dùng sợi này uốn thành những họa tiết nhỏ như cành hoa, con bướm, hoa bèo, hoa phù dung… Kỹ thuật đậu cũng làm ra những hạt bạc nhỏ li ti rồi dùng vẩy hàn gắn kết lại với nhau thành các vật phẩm.
Để có được một sản phẩm bạc đậu, những người thợ phải mất tới hàng chục ngày công với những thao tác công phu, tỉ mỉ. Người thợ đậu có tay nghề cao là khi tất cả các hoa văn đính trên sản phẩm phải đều nhau, không được lộ ra những mối hàn.
Ngoài các dòng đậu bạc phổ biến như: Nhẫn, dây chuyền, hoa tai, vòng, trâm cài áo, trâm cài tóc…, các nghệ nhân đã phát triển thêm dòng sản phẩm lưu niệm là tranh Đậu bạc. Họ đã đưa những hình ảnh văn hóa gắn với biểu tượng của Hà Nội lên tranh như: Hình ảnh Khuê Văn Các, Tháp Rùa, Phố cổ… hay như các loại tranh hoa sen bạc đậu có ý nghĩa an yên, bình thản trong tâm hồn, Tranh mục đồng thổi sáo Đậu Bạc mong cho cuộc sống an yên, ấm no hạnh phúc.
Một số sản phẩm đậu bạc của nghệ nhân làng Định Công. Ảnh: Ảnh: Kim Duyên.
Có rất nhiều mẫu của khách hàng đặt theo sở thích và mẫu đậu bạc do các nghệ nhân thiết kế. Tất cả đều ánh lên sự tinh xảo, độc đáo và phong cách của sản phẩm đậu bạc truyền thống. Tâm huyết của những nghệ nhân đậu bạc làng Định Công là mở nhiều workshop để truyền lửa nghề và hơn thế nữa họ muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa của quê hương đất nước Việt Nam vào từng sản phẩm đậu bạc thật sự là vật đồng hành bên người không thể thiếu với mỗi người tiêu dùng.
So với các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hải Dương), những sản phẩm ở Định Công có nét đặc trưng riêng và điều đáng quý là trong dòng chảy ồn ào của đời sống, vẫn có những nghệ nhân bền bỉ giữ nghề.
Bằng tâm huyết và sự sáng tạo không ngừng, họ còn phát triển nghề đậu bạc lên một tầm cao mới, từ đó tìm lại chỗ đứng cho sản phẩm từng một thời vang bóng. Bài toán chung cho tất cả các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề đậu bạc Định Công vẫn là khuyến khích, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận. Giải quyết được vấn đề này, làng nghề mới có sự phát triển vững bền.
Đến với làng Định Công, không chỉ được ngắm các sản phẩm tinh sảo của nghề đậu bạc, làng còn có ngôi đình làng với bề dày lịch sử gắn liền với đời sống của nhiều người dân thủ đô Hà Nội. Đình Định Công Thượng thờ hai vị: Hoàng Công (còn gọi là chàng Sơ) là con vua Hùng thứ 17 có công bắt sống được tướng giặc; và Đoàn Thượng, người đất Hồng Châu, giương ngọn cờ “phản Trần, phục Lý”. Ông có công chữa khỏi bệnh dịch cho dân Định Công.
Trong đình Định Công Thượng có đền Định Công Thượng thờ 3 vị tổ nghề kim hoàn là Trần Tiêu, Trần Điệu và Trần Hoà. Đình và đền Định Công Thượng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994.
Hội Định Công Thượng được tổ chức vào ngày 11 tháng hai âm lịch hàng năm. Đoàn rước khoảng 200 người với cờ, tán, lọng, kiệu, bát bửu... Giữa đoàn rước là 4 chàng trai áo hồng khênh kiệu rước ông ỷ, tiếp theo là 10 mâm oản chạy cùng hoa quả do các thiếu nữ đội nhịp nhàng tiến bước. Hội còn đón tiếp nhiều người làm nghề kim hoàn ở khắp nơi về thắp hương tưởng nhớ các vị tổ nghề. Hội còn có nhiều trò vui như kéo co, chọi gà, bắt vịt.
Minh AnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.