Gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống cố đô từ những lễ hội đầu Xuân
Vào những ngày đầu xuân năm mới, nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức các lễ hội đặc sắc thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự. Đặc biệt là các Hội vật truyền thống, qua đó góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống ở vùng đất cố đô.
- Quảng bình: Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hoạt động của các đơn vị du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng
- Quảng Trị: Triển khai công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
- BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế: Trồng hơn 3.000 cây Dương trong Lễ phát động Tết trồng cây
- Thừa Thiên Huế: Bế mạc lễ hội Hoàng mai và trao giải Cuộc thi “Hoàng mai Huế - Tuyệt tác mùa xuân”
"Dù ai đi đó đi đây Ngày mười hội vật nhớ quay về Sình".
Đó là câu ca dao được người dân xứ Huế truyền tụng qua nhiều đời khi nói về một lễ hội rất nổi tiếng được tổ chức vào dịp đầu xuân ở một làng quê nằm cạnh ngã ba Sình, điểm hợp lưu giữa sông Bồ với sông Hương - Vật làng Sình.
Làng Sình là tên nôm của làng Lại Ân, nay thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế, là một trong những làng được hình thành khá sớm của xứ Thuận Hóa. Ngoài nghề làm tranh mộc bản cổ truyền rất nổi tiếng, làng Sình hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của cha ông, trong đó có hội vật được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người dân địa phương và khách thập phương về tham dự.
Hội vật làng Sình tồn tại hơn 400 năm nay từ thời chúa Nguyễn nhằm để tuyển chọn trai tráng vào quân đội của triều đình chống giặc ngoại xâm và được duy trì cho đến tận ngày nay. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống giàu tinh thần thượng võ, khích lệ việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí của lớp trẻ. Bên cạnh đó, đối với người dân địa phương, hội vật còn mang ý nghĩa tâm linh là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc là phải đánh ngã đối thủ ở tư thế "lấm lưng trắng bụng", đồng thời giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây là thắng. Nét đặc trưng của Hội vật làng Sình là bất kỳ khán giả nào cũng có thể đăng ký tham gia. Lệ làng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương mà bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật.
Bên cạnh đó, vì rất chú trọng tinh thần thượng võ nên tại hội vật những đòn nguy hiểm như bẻ, vặn khóa trái khớp, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt… hoàn toàn bị cấm. Có thể do điều kiện dự hội khá đơn giản, không đề cao việc thắng thua mà chỉ đơn thuần là "thử sức" nên cứ đến ngày làng mở hội vật là trai tráng khắp nơi theo nhau về làng Sình. Đây chính là hình thức gìn giữ nét văn hóa truyền thống vô cùng hiệu quả, bởi chính người dân là chủ thể tham gia bảo tồn lễ hội.
Hội vật truyền thống làng Sình từ lâu đã trở thành một ngày hội lớn, một nét văn hóa đậm bản sắc riêng, ăn sâu vào máu của mỗi người dân làng Sình. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hội vật làng Sình ngày nay đã có một vài thay đổi để phù hợp với tình hình mới, nhưng không gian văn hoá xưa vẫn còn lưu lại những dấu ấn rất rõ nét về một vùng đất thượng võ, và trong tâm khảm của mỗi người dân xứ Huế, tiếng trống hội vẫn vang vọng thúc giục khách thập phương quay về. Đó chính là những minh chứng cho một giá trị văn hóa trường tồn của Hội vật làng Sình.
Tại làng Thủ Lễ, huyện Quảng Điền, giải Vật truyền thống là một hoạt động văn hóa - thể thao thường niên, không thể thiếu trong mỗi độ xuân về của người dân nơi đây. Hội Vật của cư dân vùng Sịa nói chung và làng Thủ Lễ nói riêng, được hình thành và phát triển mạnh từ thời các chúa Nguyễn, nhằm mục đích tuyển chọn những binh sỹ có sức khoẻ tốt tham gia vào quân đội của triều đình.
Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của môn vật truyền thống huyện Quảng Điền, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng những tài năng cho bộ môn vật của tỉnh Thừa Thiên Huế và của cả nước nói chung. Giải Vật làng Thủ Lễ được khôi phục và tổ chức thường niên, qua đó đã thu hút ngày càng đông đảo các đô vật trong huyện và nhiều địa phương khác đến tham gia tranh tài, tạo nên một điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân trong dịp Tết đến Xuân về.
Hội vật năm nay thu hút gần 40 đô vật nam, nữ là thanh niên, thiếu niên có sức khỏe tốt đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quảng Điền và các vùng lân cận; tranh tài ở 2 nội dung là vật truyền thống và vật tự do.
Hội vật áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật phải vượt qua vòng đấu loại, giành chiến thắng trước 2 đối thủ mới bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua 1 đối thủ trước khi lọt vào vòng chung kết.
Các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, mắt...; không dùng tiểu xảo mà phải hạ đối thủ "lấm lưng trắng bụng" (vật đối thủ chạm lưng xuống đất). Tại sới vật truyền thống làng Thủ Lễ đầu xuân Quý Mão 2023, các đô vật thi đấu trung thực, cống hiến hết mình với tinh thần thượng võ, giao lưu học hỏi lẫn nhau.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất cả nước với hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ khác nhau. Nét đẹp lễ hội truyền thống ngày đầu xuân vẫn đang được người dân gìn giữ, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và phần lớn các lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh đảm bảo được mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, tránh nguy cơ mai một. Đặc biệt trong đó, có nhiều lễ hội trở thành sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông đảo du khách, nhất là vào dịp lễ, Tết. Các lễ hội đã tạo nên không khí vui xuân, thu hút khách du lịch đến Huế du lịch và du xuân.
Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chuyển tổ chức Festival Huế theo hướng bốn mùa và các lễ hội vào dịp Tết, đầu Xuân đang được cơ quan chức năng hệ thống lại, tổ chức quy mô, bài bản hơn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội, đồng thời nâng tầm thành sản phẩm du lịch đặc sắc để phục vụ du khách khi đến với cố đô.
Lê DungTheo báo cáo Affiliate Marketing Report 2025 mới được AccessTrade công bố, thị trường tiếp thị liên kết tại Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Ngành này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái TMĐT Việt Nam vào năm 2025, nhất là trong bối cảnh TMĐT xuyên biên giới ngày càng phát triển.