Giỗ Tổ Hùng Vương 2021: Hào hứng với hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy

Địa phương
09:42 AM 20/04/2021

Ngày 19/4 (tức mùng 8/3 âm lịch), tại sân Trung tâm Lễ hội - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021 đã tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy được tổ chức thường niên dịp Lễ hội Đền Hùng.

Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy với sự tham gia của 100 nghệ nhân đến từ 13 huyện, thành, thị. Các nghệ nhân sẽ cùng nhau trổ tài gói, nấu những chiếc bánh chưng phải đẹp, bánh phải chín rền, đảm bảo thơm ngon, mùi vị hấp dẫn. Bánh giầy phải dẻo, mịn, trắng, bánh tròn, thành cao, bày trên mâm có dán chữ "Phúc" màu đỏ.

Giỗ Tổ Hùng Vương 2021: Hào hứng với hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy. - Ảnh 1.

Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy là một trong những hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, đậm nét truyền thống của dân tộc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đồng thời là hoạt động văn hoá đặc sắc, thu hút đông đảo du khách...

Đội giành giải Nhất tại Hội thi năm nay sẽ được dâng bánh lên các Vua Hùng vào ngày Giỗ Tổ mùng 10/3. Đây là niềm vinh dự lớn, bởi vậy nên các nghệ nhân đều tích cực thực hiện bằng tất cả niềm đam mê, tài nghệ của mình.

Giỗ Tổ Hùng Vương 2021: Hào hứng với hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy. - Ảnh 2.

Để có những chiếc bánh chưng xanh, vuông vắn, đẹp mắt và chất lượng, ngoài lựa chọn nguyên liệu chu đáo, việc nấu bánh cũng đòi hỏi phải có những bí quyết riêng biệt. Đặc biệt, nước luộc bánh chưng phải là nước mưa để lắng và sử dụng củi đun thì bánh mới thơm ngon.

Tham gia giã bánh là những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh. Trong quá trình giã bánh, các thành viên đều phải phối hợp ăn ý, nhịp nhàng. Thao tác này diễn ra trong khoảng 10 phút. Đến khi xôi nhuyễn quyện sánh vào nhau thì lấy ra lăn tròn đều, tạo thành những chiếc bánh giầy dẻo thơm, tròn trịa.

Giỗ Tổ Hùng Vương 2021: Hào hứng với hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy. - Ảnh 3.

Để làm ra được một chiếc bánh giầy tròn, đẹp và ngon thì phải chọn được loại gạo nếp ngon, đều và mẩy, không được có hạt nào bị đầu ruồi (bị xỉn đen). Gạo nếp sau khi ngâm khoảng 10 giờ thì để ráo nước rồi mang đi đồ xôi chín tới, sau đó đem giã thành bánh.

Kết thúc hội thi, ở nội dung thi gói, nấu bánh chưng, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho đội văn hóa dân gian (VHDG) huyện Cẩm Khê, giải Nhì cho các đội Thanh Sơn, Phù Ninh, Việt Trì và giải Ba cho các đội Lâm Thao, Hạ Hòa, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy, Đoan Hùng, Phú Thọ, Thanh Ba, Tam Nông.

Nội dung thi giã bánh giầy, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội VHDG huyện Yên Lập; giải Nhì cho các đội Thanh Ba, Tam Nông, Việt Trì và giải Ba cho các đội Cẩm Khê, Thanh Sơn, Phù Ninh, Đoan Hùng, Phú Thọ, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Lâm Thao.

Thu Hường
Ý kiến của bạn