Giới trẻ Nhật Bản ngày càng chán mặc vest, cắm thùng, tiệc tùng rượu bia với đồng nghiệp
Câu chuyện văn hóa trang phục công sở chỉ là một phần cho bức tranh lớn hơn, khi những lao động trẻ ngày nay ở Nhật Bản có quan điểm cũng như lối sống khác hoàn toàn so với các thế hệ trước.
Nhật Bản vốn nổi tiếng là một quốc gia có văn hóa công sở nghiêm túc, nếu không muốn nói là khá khắc nghiệt so với các nền kinh tế khác. Như một lẽ đương nhiên, thời trang công sở tại đây cũng mang đậm hơi hướng nghiêm túc, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, công việc quá tải đang khiến rất nhiều nhân viên của nước mặt trời mọc có xu hướng ưa thích những bộ đồ thoải mái khi làm việc hơn là các trang phục "đóng thùng".
Trên thực tế, chính quyền Tokyo từ năm 2006 đã thực hiện chiến dịch "Cool Biz" nhằm khuyến khích lao động văn phòng từ bỏ những bộ đồ vest, ca vát hay những kiểu trang phục đóng thùng nóng nực để chuyển sang các bộ quần áo thoải mái hơn cho ngày hè. Mặc dù chiến dịch này không thu được nhiều kết quả nhưng chúng cũng khiến các công ty dần thay thổi suy nghĩ về văn hóa ăn mặc công sở.
Mới đây, Cơ quan quản lý thể thao Nhật Bản (JSA) lại tiếp tục thực hiện chiến dịch kêu gọi người dân đi giày thể thao đi làm thay vì những đôi giày da bóng lộn. Mục đích chính của chiến dịch này là thúc đẩy người dân tập thể thao trước tình trạng làm thêm giờ, quá tải công việc, ít vận động cũng như béo phì đang dần tăng lên.
Một số công ty như Asahi Soft Drink đã ủng hộ quyết định trên khi yêu cầu nhân viên đi giày thể thao đến công ty và khuyến khích mọi người đi lại quanh văn phòng để nâng cao sức khỏe.
Dẫu vậy, câu chuyện văn hóa trang phục công sở chỉ là một phần cho bức tranh lớn hơn, khi những lao động trẻ ngày nay ở Nhật có quan điểm cũng như lối sống khác hoàn toàn so với các thế hệ trước.
Xung đột tư tưởng thế hệ
Nếu đồng hồ là một biểu tượng không thể thiếu cho lao động Nhật thập niên 1990 thì ngày nay, các nhân viên trẻ không mấy chú trọng đến điều đó bởi họ đã có smartphone. Thậm chí, việc có xe hơi là một điều hiển nhiên cho những chàng trai muốn thể hiện sự thành công để lấy vợ, giờ cũng không còn quan trọng tại Nhật bởi giao thông công cộng thuận tiện hơn rất nhiều, cũng như rẻ hơn.
Chính bản thân Chủ tịch công ty Toyota, ông Akio Toyoda cũng phải ngạc nhiên thừa nhận rằng mình đã bị bất ngờ khi trò chuyện với lao động trẻ ngày nay. Ông thắc mắc rằng họ lấy đâu ra tự tin để mời phụ nữ đi chơi khi không có xe hơi. Vào thời của ông Akio, việc hẹn hò sẽ khá khó khăn nếu chàng trai không có lấy nổi một chiếc xe.
Chủ tịch Akio Toyoda của Toyota
Có thể câu chuyện của ông Akio chỉ mang tính quảng cáo cho hãng ô tô Toyota, nhưng điều đó cũng chứng tỏ quan điểm của giới trẻ ngày nay đã khác khá nhiều so với trước đây. Nếu như những lao động thế hệ trước thể hiện được sự tận tụy với công việc, sẵn lòng thuyên chuyển sang các chi nhánh hẻo lánh để đóng góp cho công ty thì ngày nay chuyện đó dần trở nên hiếm hoi hơn.
Khảo sát của trường đại học Chuo University cho thấy 42,7% lao động nam giới Nhật không chấp nhận thuyên chuyển công tác sang những chi nhánh hẻo lánh và thậm chí sẵn sàng nghỉ việc nếu bị buộc phải làm vậy.
Không chỉ quan điểm về lao động, thói quen của lao động công sở Nhật cũng đã dần thay đổi. Một khảo sát của WineBazaar cho thấy 39,8% số nam giới Nhật trong độ tuổi trên dưới 20 không uống rượu bia. Nghĩa là họ không bao giờ nhậu, hoặc thậm chí là không bao giờ say xỉn. Tỷ lệ này hoàn toán trái ngược với mức 25% của các nam giới trên 60 tuổi thường xuyên uống rượu, nhiều người trong số đó mắc các bệnh liên quan đến gan do rượu bia quá nhiều.
Nguyên nhân chính của câu chuyện này là phong cách làm việc của Nhật đang có chuyển biến mạnh, từ những buổi tiệc tùng không chính thức của giới văn phòng sang quan điểm làm việc chuyên nghiệp, không rượu bia.
Khảo sát cho thấy lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tại Nhật đã giảm 89% từ mức đỉnh năm 1996, một thông tin không biết là đáng vui hay đáng buồn cho nền kinh tế Nhật. Chính quyền Tokyo những năm gần đây đã thực hiện hàng loạt chính sách kích thích tiêu dùng cho người dân nhằm thoát khỏi tình trạng tăng trưởng chậm nhưng chúng không có tác dụng mấy. Mức lương của lao động tăng rất chậm và mọi người thích về thẳng nhà hơn là tốn tiền cho những thứ khác.
Một hậu quả tất yếu của tình trạng trên là doanh số tiêu thụ đồng hồ, đồ công sở, rượu bia và nhiều sản phẩm khác tại Nhật giảm xuống, khiến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng mạnh trở lại của Nhật ngày càng gian nan.
Nguồn: Tổng hợp
Băng TâmDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.