Giới trẻ Việt Nam có thể mất 370.000 việc làm vì COVID-19

Thị trường
10:12 AM 21/08/2020

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Việt Nam năm 2020 có thể tăng gấp đôi so năm 2019.

Theo báo cáo "Giải quyết khủng hoảng việc làm do COVID-19 gây ra cho thanh niên tại châu Á - Thái Bình Dương" của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động quốc tế, đại dịch COVID-19 đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng việc làm của 660 triệu thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020. Thanh niên Việt Nam có thể sẽ mất khoảng 370.000 việc làm trong ngắn hạn nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát. Con số này có thể lên tới 548.000 việc làm nếu dịch bệnh kéo dài.

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ năm 2020 có thể tăng gấp đôi so với 2019

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ năm 2020 có thể tăng gấp đôi so với 2019

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ nước ta được dự báo sẽ ở mức 10,8-13,2% trong năm 2020, tùy theo tình hình dịch bệnh, tức là gần gấp đôi so mức 6,9% của năm 2019 trong điều kiện gián đoạn thị trường lao động dài hạn vì ảnh hưởng của COVID-19.

Báo cáo đưa ra dự báo, 13 quốc gia trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương có thể sẽ phải gánh chịu mức tổn thất 10 đến 15 triệu việc làm cho thanh niên (tương đương với việc làm toàn thời gian) trong năm 2020. Ở Campuchia, Fiji, Nepal, Pakistan, Philippines và Thái Lan, ước tính tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với số liệu ước tính năm 2019.

Theo đó, một trong những nguyên do mà thanh niên trong khu vực phải đối mặt với những gián đoạn thị trường lao động và tổn thất việc làm lớn hơn so với người trưởng thành là gần một nửa trong số họ (hơn 100 triệu người) đã làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng là lĩnh vực thương mại bán buôn bán lẻ và sửa chữa; sản xuất; dịch vụ thuê mướn và kinh doanh; dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Mặc dù vậy, ngay cả trước cuộc khủng hoảng COVID-19, thanh niên ở châu Á và Thái Bình Dương đã phải đối mặt với những thách thức trên thị trường lao động.

Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực là 13,8%, trong khi tỷ lệ này của người trưởng thành là 3% và hơn 160 triệu thanh niên (24% dân số) ở tình trạng không có việc làm mà cũng không tham gia học hành hoặc đào tạo (NEET). 4/5 lao động trẻ trong khu vực làm công việc phi chính thức, tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ của người trưởng thành, và cứ trong 4 lao động trẻ thì có một người phải sống trong điều kiện nghèo cùng cực hay nghèo vừa phải.

Báo cáo khuyến nghị cần có những biện pháp ứng phó cấp bách, quy mô lớn và có mục tiêu bao gồm cả trợ cấp tiền lương cho thanh niên và các chương trình việc làm công và các biện pháp giảm thiểu tác động đối với học sinh sinh viên mà việc học hành đào đạo bị gián đoạn.

Các chính phủ nên cân nhắc, cân đối việc đưa thanh niên tham gia vào thị trường lao động quy mô lớn hơn và là đối tượng của các biện pháp phục hồi kinh tế với các biện pháp can thiệp hướng tới thanh niên nhằm tối đa hóa việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực.

Thủy Phạm
Ý kiến của bạn