Giữ chân du khách bằng trải nghiệm xanh: Góc nhìn marketing tại Bù Gia Mập
Trong bối cảnh ngành du lịch ngày càng cạnh tranh khốc liệt và khách du lịch ngày càng quan tâm đến các giá trị bền vững, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nổi lên như một điểm đến giàu tiềm năng nhờ vẻ đẹp nguyên sơ, hệ sinh thái đa dạng và bản sắc văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, để giữ chân du khách, chỉ tài nguyên thiên nhiên thôi là chưa đủ – điều quan trọng nằm ở cách tiếp cận marketing và tạo ra những trải nghiệm thật sự khác biệt.
Chạm vào "lá phổi xanh" giữa đại ngàn
Nằm nép mình ở phía Bắc tỉnh Bình Phước, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập được ví như "lá phổi xanh" quý giá còn lại của miền Đông Nam Bộ. Với diện tích hơn 26.000 ha rừng tự nhiên, đây là nơi cư trú của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm và cũng là một trong số ít những cánh rừng nguyên sinh còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Nhưng điều khiến nơi đây đặc biệt không chỉ là tài nguyên sinh học, mà là cảm giác thanh tịnh và gần gũi mà rừng già mang lại cho con người.

Thiên nhiên giữa Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Chúng tôi đến Bù Gia Mập vào một buổi sớm đầu mùa khô. Rừng vẫn còn ướt hơi sương, mặt trời vừa rọi xuống tán cây cổ thụ dày đặc, rọi những vệt nắng vàng len lỏi xuống mặt đất phủ đầy lá mục. Tiếng chim hót, tiếng côn trùng rì rầm và xa xa là tiếng suối chảy róc rách như hòa thành một bản nhạc của đại ngàn. Ở đó, thời gian dường như ngưng đọng.
Một trong những điểm ấn tượng nhất là hành trình băng rừng đến con thác ẩn sâu giữa rừng, nước trong vắt và lạnh buốt. Đoạn đường không dễ đi, phải leo dốc, vượt suối, nhưng mỗi bước chân là một lần lắng nghe thiên nhiên kể chuyện. Có người nói: "Đến đây không chỉ để ngắm cảnh, mà là để sống chậm và học cách lắng nghe chính mình". Không chỉ thiên nhiên, cộng đồng dân tộc thiểu số M'nông và S'tiêng sinh sống quanh vùng cũng là một phần linh hồn của Bù Gia Mập. Những câu chuyện về rừng, về nghi lễ cúng thần linh, tìm dược liệu, đều là kho tàng văn hóa sống động. Khi du khách trở thành người bạn, người học trò của núi rừng – trải nghiệm ấy mới thật sự đọng lại sâu sắc.

Theo chân hướng dẫn viên trải nghiệm lội suối, băng rừng
Giữa dòng chảy vội vã của đời sống đô thị, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập như một khoảng lặng dịu dàng – nơi ta có thể chạm tay vào sự sống nguyên bản và nhận ra rằng: hạnh phúc không nằm ở những điều lớn lao, mà ở khoảnh khắc được hít hà hơi thở của rừng, được nghe trái tim mình đập giữa không gian trong lành. Đến Bù Gia Mập, là đến để lặng – và để sống thật.
Trải nghiệm xanh – "sản phẩm" khác biệt trong du lịch hiện đại
Khác với các điểm du lịch ồn ào, náo nhiệt, Bù Gia Mập mang đến một nhịp sống chậm rãi, gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Chúng tôi thức dậy giữa tiếng chim hót, bước đi trên những con đường rợp bóng cây, khám phá thác Đắk Mai hoang sơ và trò chuyện với người dân bản địa là người M'nông, S'tiêng. Những gì chúng tôi cảm nhận được không chỉ là cảnh đẹp – mà là cảm xúc. Sự thư giãn, kết nối với thiên nhiên, hiểu biết văn hóa bản địa và đặc biệt là giá trị của "tối giản" trong thời đại dư thừa thông tin và tiêu dùng.

Thiên nhiên hùng vĩ tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Trong góc nhìn marketing, trải nghiệm này là một "giá trị vô hình" – điều mà không phải điểm đến nào cũng có thể tạo ra và cũng không dễ sao chép. Du lịch xanh – nếu biết khai thác đúng – chính là điểm khác biệt cốt lõi (USP - Unique Selling Point) để giữ chân du khách trong dài hạn.
Làm marketing bằng cảm xúc, không chỉ bằng quảng cáo
Hiện nay, nhiều khu du lịch sinh thái đang rơi vào "bẫy quảng cáo": chạy theo xu hướng ngắn hạn, truyền thông quá mức mà bỏ qua yếu tố cốt lõi là chất lượng trải nghiệm. Bù Gia Mập thì ngược lại – yên tĩnh, ít quảng bá, nhưng lại có tiềm năng cực lớn về marketing cảm xúc. Một du khách đến đây không chỉ chụp ảnh check-in mà còn được hít thở trong lành, nghe rừng kể chuyện, tìm hiểu cách người dân địa phương giữ rừng và sống hòa hợp với tự nhiên. Những trải nghiệm mang tính giáo dục – giải trí (edutainment) như thế chính là xu hướng marketing mới, nhất là với nhóm khách hàng trẻ, có trình độ, quan tâm đến giá trị bền vững.
Xây dựng câu chuyện thương hiệu từ "sự tử tế với thiên nhiên, Bù Gia Mập không cần quảng cáo hào nhoáng, nhưng cần một câu chuyện thương hiệu mạnh mẽ. Đó là câu chuyện về một vùng đất kiên trì giữ rừng, về người dân sống gắn bó với rừng, về mỗi bước chân du khách đều góp phần bảo tồn. Marketing hiện đại không chỉ bán sản phẩm mà còn bán câu chuyện. Nếu Bù Gia Mập kể được câu chuyện của mình – thông qua video, website, tour có người dẫn chuyện, hoặc qua trải nghiệm trực tiếp – thì thương hiệu ấy sẽ sống trong lòng du khách, không cần phải nhắc đi nhắc lại.

Bữa ăn giữa đại ngàn
Thiết kế sản phẩm du lịch trải nghiệm có chiều sâu, thay vì các tour tham quan đơn thuần, Vườn Quốc gia có thể phát triển các gói trải nghiệm như: "Một ngày làm kiểm lâm" (theo chân cán bộ kiểm lâm đi tuần rừng); "Hành trình dược liệu rừng" (tìm hiểu cây thuốc, kỹ năng sinh tồn); "Sống chậm cùng người M'nông" (ở homestay, học nấu ăn, thổi khèn)
Những sản phẩm như vậy không chỉ khác biệt mà còn giúp khách "học được điều gì đó", giá trị rất phù hợp với nhóm khách hàng có học vấn, yêu thiên nhiên.
Ứng dụng công nghệ – truyền thông vừa đủ và đúng cách, Bù Gia Mập có thể tận dụng mạng xã hội để chia sẻ nội dung "chân thật và cảm xúc": một video quay bằng điện thoại về buổi sáng trong rừng, một tấm ảnh du khách ngồi bên bếp lửa trò chuyện với người già làng. Không cần dàn dựng công phu – chính sự mộc mạc lại tạo cảm giác "thật" và thu hút.
Ngoài ra, xây dựng website có giao diện thân thiện, tích hợp đặt tour online, bản đồ ảo, đánh giá khách hàng... cũng là bước cần thiết để tiếp cận du khách hiện đại.
Với tư cách là một người tham gia trải nghiệm du lịch xanh, chuyến đi không chỉ giúp tôi hiểu thêm về marketing du lịch mà còn giúp tôi thấm thía một điều: mọi sản phẩm dù lớn hay nhỏ đều cần được tạo ra từ sự thấu hiểu khách hàng và lòng trân trọng với giá trị cốt lõi. Bù Gia Mập không cần phải trở thành điểm đến "hot trend" trong chốc lát, mà nên là một nơi để người ta quay lại lần hai, lần ba – để nghỉ ngơi, để chữa lành, để kể cho con cháu về những ký ức trong rừng xanh.

Bên dòng suối mát giữa Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Marketing du lịch sinh thái không nằm ở việc in bao nhiêu tờ rơi, chạy bao nhiêu quảng cáo, mà ở việc tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ, đủ để khách chia sẻ và truyền miệng. Bù Gia Mập đang có tất cả: thiên nhiên, con người, câu chuyện – điều cần làm là gói trọn những điều ấy thành trải nghiệm đáng giá. Giữ chân du khách không bằng chiêu trò, mà bằng chân thành. Du lịch sinh thái, nếu được làm đúng, không chỉ giúp địa phương phát triển bền vững mà còn góp phần định hình lại tư duy sống xanh cho cả cộng đồng. Khi một nơi chạm được vào trái tim du khách, họ sẽ quay lại – không phải vì điểm đến đó nổi tiếng, mà vì chính họ cảm thấy được thuộc về nơi ấy.
Châu Nguyên - Hữu Công
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.