Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các sản phẩm thủ công truyền thống
Sáng 9/10, tại Hà Nội, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 gắn với Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chủ trì họp báo. Tham dự họp báo, còn có đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác, đơn vị liên quan; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - cho biết: Thực hiện Quyết định số 2831/QĐ-BNN-KTHT ngày 14/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 gắn với Triển lãm "Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam". Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024.
Hội thi nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các tác giả phát huy ý tưởng sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, vừa có tính kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, nhằm tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Thông qua Hội thi, nhằm góp phần vào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
Hội thi còn là dịp tăng cường giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các làng nghề, làng nghề truyền thống để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người lao động. Đồng thời, nhằm tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá các làng nghề, phố nghề truyền thống trên cả nước, góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển làng nghề. Những tác giả đạt giải tại Hội thi sẽ là một trong những điều kiện để đề xuất công nhận nghệ nhân các cấp.
Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Hoàng Yến cho biết, tất cả các tổ chức, cá nhân không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có khả năng sáng tác, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp quy chế (trừ các thành viên trong Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo) đều có thể dự thi. Sản phẩm dự thi bao gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thuộc 05 nhóm đáp ứng được tiêu chí theo Quy chế Hội thi được ban hành, bao gồm: Nhóm gốm sứ và thủy tinh; Nhóm dệt, thêu đan, móc; Nhóm mây, tre, lá tự nhiên; Nhóm đá, gỗ mỹ nghệ, sơn mài, khảm trai; Nhóm khác (sừng, kim khí, hoa, tranh,…).
Ban Tổ chức tiếp nhận sản phẩm dự thi bắt đầu từ ngày 28/10/2024 đến hết ngày 01/11/2024 (tiếp nhận sản phẩm trong giờ hành chính) tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam - số 02 Hoa Lư, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Thời gian chấm thi bắt đầu từ 04/11/2024. Cơ cấu giải thưởng (của 05 nhóm sản phẩm) gồm 05 giải Nhất; 10 giải Nhì; 15 giải Ba và 15 giải Khuyến khích. Tùy theo tình hình thực tế, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi xem xét điều chỉnh, bổ sung cơ cấu và giá trị giải thưởng cho phù hợp.
Được biết, tất cả các sản phẩm đạt giải sẽ được tặng kèm theo Kỷ niệm chương, Bằng chứng nhận sản phẩm đạt giải của Ban Tổ chức Hội thi. Ban Tổ chức sẽ xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích tham gia tổ chức Hội thi.
Thông tin về Triển lãm "Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam", ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - chia sẻ: Triển lãm "Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam" do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch chủ trì. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan phối hợp.
Triển lãm là hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản hoá Việt Nam (23/11) nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và sản phẩm du lịch đặc sắc của đất nước con người Việt Nam, khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch giữa các địa phương trong cả nước, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các vùng, miền, động viên, khích lệ tinh thần lao động sáng tạo của các nghệ nhân, là dịp để các nghệ nhân giao lưu, quảng bá về tiềm năng du lịch làng nghề, mở rộng mối quan hệ giữa các làng nghề truyền thống, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Các hoạt động tại Triển lãm góp phần tăng cường giao lưu giữa các địa phương trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, quảng bá về du lịch.
Triển lãm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc về nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc được kết tinh và tiếp nối qua nhiều thế hệ, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Theo Ban Tổ chức, Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 22-26/11/2024 tại tỉnh Nghệ An. Các hoạt động của Triển lãm bao gồm: Trưng bày những tư liệu; ảnh giới thiệu "Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh Việt Nam"; Đặc trưng di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam; Triển lãm "Những bài thơ của Bác Hồ trên Sen thư pháp"; Không gian văn hóa trà Việt tại Nhà trưng bày Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An.
Trong khuôn khổ Triển lãm sẽ trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng hình ảnh "Làng Sen quê Bác", "Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước", "Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập", "Bản đồ Việt Nam", "Hình ảnh núi non Đất Việt" tại Bảo tàng Nghệ An. Triển lãm "Áo dài Việt Nam" tại Bảo tàng Nghệ An. Không gian "Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống" của 25 tỉnh/thành phố sẽ được trưng bày tại Phố đi bộ đường Hồ Tùng Mậu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Lễ khai mạc Triển lãm "Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam" sẽ diễn ra vào 19 giờ 30 phút, ngày 22/11/2024, tại sân khấu ngoài trời Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An, TP Vinh. Tại triển lãm, Ban Tổ chức sẽ giới thiệu các sản phẩm đạt giải tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống "Việt Nam - những sắc màu Di sản" cũng sẽ diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm "Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam".
Nguyễn HạnhTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.