Giữa 'bão' COVID-19, kiều hối về Việt Nam ước đạt 12,5 tỷ USD
Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD. Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, kiều bào cũng gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương.
Tại cuộc họp báo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức nhằm triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 diễn ra ngày 28/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD.
Với con số ước tính này, lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%. Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, kiều bào cũng gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương. Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong điều kiện khó khăn cần vốn đầu tư.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021. Lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối.
Trả lời băn khoăn về sự chênh lệch giữa con số này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định thống kê Ngân hàng Nhà nước là chính thống khi sử dụng trong các báo cáo, đánh giá có trách nhiệm quản lý nhà nước và nhiệm vụ thống kê con số này.
Về tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 22-12-2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% (tăng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020). Dự kiến đến hết ngày 31-12-2021, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức khoảng 14%, tương đương khoảng 1,2 triệu tỷ đồng đã được bơm ra nền kinh tế trong năm vừa qua.
Giải thích về mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết là do bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và gây tác động nặng nề đến nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp. Do đó, tín dụng tăng cao cũng nhằm hỗ trợ nguồn vốn giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất trong bối cảnh đại dịch.
Trong năm 2021, ngân hàng cũng đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. NHNN đã hai lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN (quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ) nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tính đến ngày 20-12-2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hơn 1,96 triệu khách hàng đã được miễn, giảm lãi với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết trong những tháng đã qua, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn duy trì quan điểm điều hành đồng bộ các công cụ chính sách để điều tiết thanh khoản phù hợp. Trong đó, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất được cơ quan này điều hành theo hướng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong khi đó, tỷ giá được điều hướng linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp.
Năm 2022, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Về tăng dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2022, đại diện NHNN cho biết dự kiến sẽ tăng khoảng 14%. Tuy nhiên, con số này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế cũng như khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp.
HM (T/h)Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.