Giữa đại dịch COVID-19, bốn "ông lớn" ngân hàng làm ăn thế nào?

Thị trường
09:23 PM 10/09/2020

Trong 6 tháng đầu năm 2020, sự phân hóa, cách biệt ở một số khía cạnh như lợi nhuận, nợ xấu… giữa Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank ngày càng lớn.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, sự phân hóa, cách biệt ở một số khía cạnh như lợi nhuận, nợ xấu… giữa Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank ngày càng lớn.

Tuy một số ngân hàng tư nhân đang lớn mạnh nhưng nói đến quy mô và sức ảnh hưởng tới thị trường, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn được dư luận gắn liền với danh xưng "ông lớn", "Big 4". Hoạt động kinh doanh của nhóm "Big 4" này vì thế vẫn luôn tạo được sự chú ý rất lớn.

Giữa đại dịch COVID-19, bốn "ông lớn" ngân hàng làm ăn thế nào? - Ảnh 1.

Dù giảm lợi nhuận nhưng Vietcombank vẫn giữ vững vị trí "quán quân", BIDV bị rớt hạng

6 tháng đầu năm 2020, BIDV đang tạm xếp sau những người anh em trong nhóm "Big 4" về lợi nhuận. Cụ thể, lãi trước thuế của BIDV đạt 4.359 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Từ vị trí có mặt trong top 5 ngân hàng lợi nhuận cao nhất năm ngoái, nửa đầu năm nay, BIDV đã bị đánh bật khỏi nhóm và rớt xuống vị trí thứ 7 (sau cả MB, Techcombank và VPBank).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Vietcombank hầu như không tăng trưởng khi chỉ đem về 17.111 tỷ đồng, đồng thời hoạt động dịch vụ chỉ tăng nhẹ 7%, đạt 2.283 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh báo lỗ 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 84 tỷ đồng do chi phí mua bán chứng khoán kinh doanh gấp 3,6 lần kỳ trước. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng giảm mạnh 31%.

Chi phí hoạt động giảm nhẹ 5% (8.028 tỷ đồng) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 21%, lên 4.009 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế và lãi ròng của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 10.982 tỷ đồng và gần 8.788 tỷ đồng.

Xét riêng kết quả kinh doanh quý 2/2020, lợi nhuận trước thuế và lãi ròng của Vietcombank tăng 6% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 5.759 tỷ đồng và 4.610 tỷ đồng.

Giữa đại dịch COVID-19, bốn "ông lớn" ngân hàng làm ăn thế nào? - Ảnh 2.

Agribank nhiều nợ xấu nhất, VietinBank có tốc độ tăng nợ xấu cao nhất

Về nợ xấu nội bảng, trong khi Vietcombank tăng nhẹ vài tỷ đồng thì nợ xấu tại 3 "ông lớn" còn lại tăng đáng kể.

Cụ thể, tổng nợ xấu của VietinBank tại ngày 30/06/2020 tăng đến 48% so với đầu năm, lên mức 15.968 tỷ đồng. Agribank cũng ghi nhận tổng nợ xấu tăng tới 39%, lên mức 24.463 tỷ đồng. Như vậy trong 6 tháng đầu năm, Agribank là nhà băng có nhiều nợ xấu nhất hệ thống ngân hàng. Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17%, lên mức 22.768 tỷ đồng, chỉ đứng sau Agribank.

Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank thấp nhất, dưới 1%. Trong khi đó, Agribank cao nhất với 2,15%. VietinBank và BIDV lần lượt ở mức 1,7% và 2%.

Nguồn vốn giá rẻ tại Big4 giảm mạnh, Agribank giảm mạnh nhất

Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đều ghi nhận lượng vốn giá rẻ từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) và lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sụt giảm đáng kể khiến chi phí vốn của nhóm ngân hàng này có xu hướng tăng nhanh.

6 tháng đầu năm, tiền gửi không kỳ hạn tại BIDV lại giảm 3% so với đầu năm, xuống mức hơn 172.500 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền gửi vốn chuyên dùng cũng giảm 47% so với đầu năm, tương đương từ 12.546 tỷ đồng xuống còn 6.665 tỷ đồng. Dẫn tới tỉ trọng CASA của BIDV giảm từ 16% xuống 15,2%.

Giữa đại dịch COVID-19, bốn "ông lớn" ngân hàng làm ăn thế nào? - Ảnh 3.

Tại Vietcombank, tiền gửi không kỳ hạn cũng bị suy yếu so với đầu năm, giảm nhẹ 1% so với đầu năm, tương đương giảm từ 262.977 tỷ đồng xuống 260.400 tỷ đồng. Tiền gửi vốn chuyên dùng giảm nhẹ từ 21.019 tỷ đồng xuống 19.892 tỷ đồng, tương đương giảm 5% so với đầu năm. Tỉ trọng CASA của Vietcombank giảm từ 28,3% xuống 26,5%.

Tiền gửi không kỳ hạn tại Agribank cũng giảm từ 139.395 tỷ đồng xuống còn 122.365 tỷ đồng, tương đương giảm 12% so với đầu năm. VietinBank ghi nhận lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm nhẹ 3% so với đầu năm, ở mức 40.268 tỷ đồng. Dẫn tới tỉ trọng CASA của VietinBank giảm từ 16,4% xuống 15,7%.

Ngoài CASA sụt giảm mạnh, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại nhóm Big4 cũng sụt giảm rõ rệt.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tiền gửi của KBNN tại BIDV giảm mạnh từ gần 99.000 tỷ đồng xuống còn 23.676 tỷ đồng, tương đương giảm 76%. Trong đó, tiền gửi có kì hạn giảm từ 87.865 tỷ đồng xuống còn 13.000 tỷ đồng, tiền gửi của Bộ Tài chính cũng giảm 8% xuống mức 9.379 tỷ đồng.

Tại Vietcombank giảm từ mức hơn 89.289 tỷ đồng vào cuối năm 2019 xuống còn hơn 992 tỷ đồng, tương đương giảm gần 99%. Trong đó, toàn bộ 87.865 tỷ đồng tiền gửi có kì hạn vào cuối năm 2019 đã được KBNN rút ra khỏi Vietcombank. Đồng thời, tiền gửi không kì hạn (gồm cả ngoại tệ qui đổi) cũng giảm từ 1.424 tỷ đồng xuống còn 992 tỷ đồng.

Vietinbank cũng giảm khoảng 28.200 tỷ đồng. Tại Agribank giảm mạnh nhất trong 3 ngân hàng còn lại, từ 40.756 tỷ đồng xuống còn 1.755 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 39.000 tỷ đồng.

Giữa đại dịch COVID-19, bốn "ông lớn" ngân hàng làm ăn thế nào? - Ảnh 4.

Agribank tăng trưởng tín dụng âm, BIDV suýt soát

Theo SSI Research, trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 2,1% nhờ sự gia tăng nhanh chóng trong tháng 6 khi tín dụng 5 tháng đầu năm ở mức âm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của BIDV chỉ cao hơn VietinBank và vẫn thấp hơn bình quân chung toàn ngành là 3,54%.

Tại Agribank, tính đến tháng 6/2020, tổng tài sản đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng, tăng 0,6% so với cuối năm 2019. Nguồn vốn đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,33 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay nền kinh tế đạt trên 1,135 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 1,15 triệu tỷ đồng của cuối năm 2019.

Vốn tín dụng Agribank chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam và chiếm trên 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng. Như vậy, so với cuối năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng nhích nhẹ 0,62% trong khi tín dụng lại ghi nhận tăng trưởng âm với mức -1,3%.

Lê Tuấn
Ý kiến của bạn