Giữa lúc giá thuê giảm 20-30% vì Covid, Vinmart liên tục "săn tìm" mặt bằng mới: Giá hời lại dễ đàm phán!
Năm nay, kế hoạch của Masan là tăng số cửa hàng lên lại mốc 3.000, đồng thời có khoảng 300 - 500 cửa hàng mở mới có lãi.
Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lần thứ tư diễn biến kéo dài và nghiêm trọng, các chuỗi siêu thị trở thành nhóm doanh nghiệp bận rộn bậc nhất. Xu hướng tích trữ hàng hoá, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng vô hình trung giúp các siêu thị hưởng lợi, tăng trưởng doanh thu.
Giữa lúc ấy, chuỗi VinMart & VinMart thuộc Tập đoàn Masan liên tục đăng tin tìm kiếm mặt bằng kinh doanh. "Do nhu cầu phát triển kinh doanh, Hệ thống siêu thị VinMart & chuỗi cửa hàng VinMart cần tìm thuê các mặt bằng có diện tích từ 90m2 trở lên, bề ngang tối thiểu 6m (ưu tiên các mặt bằng có diện tích từ 120m2 - 150m2)", Vinmart thông báo trên Fanpage chính thức.
Các tiêu chí được đưa ra bao gồm: thời gian thuê tối thiểu 5 năm; khu vực giao thông thuận tiện, vỉa hè rộng; hồ sơ pháp lý rõ ràng, không tranh chấp; giá thuê theo mặt bằng chung. Với mặt bằng dành cho Vinmart, các mặt bằng cần có diện tích từ 800m2 trở lên, mặt tiền tối thiểu 20m và nằm tại tầng trệt hoặc tầng B1 (nếu mặt bằng nằm trong TTTM), ưu tiên mặt bằng có đủ hệ thống PCCC, xử lý nước thải, có lối giao nhận hàng riêng cho xe tải.
Vinmart liên tục đăng tìm mặt bằng kinh doanh
Động thái này cho thấy Masan không hề giấu giếm mục tiêu mở rộng sau khi đóng hàng loạt cửa hàng trước đó. Thời điểm mới mua lại VinCommerce (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị VinMart & VinMart ) từ tay Vingroup, Masan đã mạnh tay "cải tổ" bằng cách đóng hơn 400 cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Điều này giúp VinCommerce cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động. Dù vẫn chịu lỗ nhưng doanh thu của đơn vị này năm 2020 tăng trưởng hơn 14%, đạt gần 31.000 tỷ đồng. Doanh thuần từ hệ thống VinMart tăng 42% dù số cửa hàng giảm gần 700 điểm, nhờ doanh thu điều chỉnh trên từng m2 tăng 10,7%.
Nếu như trong 9 tháng đầu năm 2020, chỉ có 1 siêu thị mới được mở cửa và 12 siêu thị đóng cửa thì năm nay, kế hoạch của Masan là tăng số cửa hàng lên lại mức 3.000, đồng thời có khoảng 300 - 500 cửa hàng mở mới có lãi. Đồng thời, VinCommerce đặt mục tiêu có lợi nhuận.
Bên cạnh đó, việc VinMart săn tìm mặt bằng giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng cũng không hề khó hiểu. Phân khúc cho thuê bất động sản bán lẻ đang chịu ảnh hưởng nặng nề, khiến giá thuê giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều này lại tạo nên cơ hội hiếm có cho VinMart cũng như nhiều chuỗi bán lẻ khác để "thu gom" những vị trí tốt với giá hời.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ, Savills Việt Nam cho biết: "So với giai đoạn thịnh vượng của thị trường Bán lẻ, mỗi hợp đồng thuê hết hạn đều sẽ chốt được giá thuê mới tăng 8-10% thể hiện giá trị tăng trưởng lớn của khu thương mại, thì nay giá thuê cho hợp đồng mới phần lớn được giữ nguyên, thậm chí giảm 20-30%. Tỷ lệ tăng giá hằng năm cũng giảm từ trung bình tăng 8% mỗi năm nay chỉ còn 5% mỗi năm, khiến tổng giá trị của một chu kỳ thuê của một bất động sản thương mại giảm đáng kể, thể hiện sự e ngại của thị trường và cán cân quyền lợi đang rơi vào tay những nhà bán lẻ và nhãn hàng nhiều hơn".
Trong Trung tâm Thương mại lớn, các chủ đầu tư đồng hành nhiều hơn với khách thuê bằng cách giảm giá thuê 20-50% tùy ngành hàng vào những tháng thấp điểm lượng khách mua sắm, miễn phí tiền thuê, miễn phí phí dịch vụ hoặc giảm 50% phí dịch vụ trong suốt thời gian giãn cách các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa theo Quy định Chính phủ.
Không chỉ VinMart & VinMart , theo khảo sát của Savills, nhiều ông lớn trong ngành bán lẻ khác cũng đang "ủ mưu" mở rộng, ví dụ như thương hiệu mỹ phẩm với 4 cửa hàng, thương hiệu phụ kiện với 6 cửa hàng, chuỗi cửa hàng pizza với 20 cửa hàng, cửa hàng cafe với 80 cửa hàng, chuỗi quán ăn diện tích nhỏ với 100 cửa hàng sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tiếp theo.
Hoàng ThuỳTheo đề xuất mới, hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).