Gỡ "điểm nghẽn" để tăng sức cạnh tranh của ngành ô tô Việt Nam
Hiện giá ô tô tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với Thái Lan, Indonesia và cao hơn các nước có công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ, Nhật Bản, do nhiều yếu tố tạo thành "điểm nghẽn" với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Gánh nặng thuế, phí và dung lượng thị trường
Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện là thị trường ô tô tiềm năng hàng đầu khu vực ASEAN. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.
Nhiều hãng xe lớn trên thế giới cũng có hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, trong đó một số đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Các dòng xe tải, xe bus đã xuất khẩu sang Thái Lan, Philippines.
Với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay đạt 323.892 chiếc, Bộ Công Thương đánh giá, đã gấp hơn 1,4 lần mục tiêu đưa ra tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn tới 2035 (là 227.500 chiếc).
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực về phát triển công nghiệp sản xuất ô tô thì giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, cụ thể cao hơn gần 2 lần so với Thái Lan, Indonesia và cao hơn các nước có công nghiệp ôtô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao là do thuế và phí cao.
Theo quy định, mỗi chiếc ô tô muốn lăn bánh sẽ phải chịu các loại thuế, gồm thuế nhập khẩu (trừ xe sản xuất, lắp ráp trong nước), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, ôtô còn chịu các loại phí, như phí trước bạ, phí kiểm định, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển ôtô, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.
Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân chính đến từ chính sách ưu đãi về thuế suất dành cho xe nhập khẩu nguyên chiếc. Theo quy định, thuế nhập khẩu đối với ô tô tại thị trường Việt Nam là 50-70% giá trị xe. Tuy nhiên, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu thêm 5 năm nữa đến năm 2027. Trong đó, Thái Lan, Indonesia là hai quốc gia xuất khẩu ô tô sang Việt Nam nhiều nhất (chiếm 75% thị phần) đang được miễn thuế nhập khẩu. Điều này khiến xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia có sức cạnh tranh rất lớn tại thị trường Việt.
Lý do nữa được Bộ Công Thương nêu là sản lượng tích luỹ trong nước thấp, tức các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa công suất thiết kế.
Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự bằng xe nhập khẩu; chưa tạo được sự hợp tác liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn… Các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài - phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo TS. Trương Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ chi sẻ trên Báo Công Thương, năng lực kỹ thuật, sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không kém, hoàn toàn có thể sản xuất được các linh kiện, phụ tùng cho các hãng ô tô. Tuy nhiên, cái khó là chi phí sản xuất của chúng ta cao, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực…
Gỡ "điểm nghẽn", tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, muốn cải thiện năng lực của doanh nghiệp ô tô của Việt Nam, cần có những chính sách khơi thông. Năm 2020, Việt Nam ra chính sách rất tốt nhằm giảm, bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện cho doanh nghiệp lắp ráp trong nước không sản xuất được. Việc này đã khiến các doanh nghiệp xe tăng cường nội địa hóa tại Việt Nam để hưởng thuế thay vì nhập khẩu ồ ạt trong khu vực như trước kia.
Bên cạnh đó, cần có ưu đãi đầu tư cũng như các chính sách thuế, phí một cách đồng bộ, giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, giảm giá thành xe, cũng là giúp người dân mua xe rẻ hơn để tăng dung lượng thị trường, giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển...
Doanh nghiệp cần thực thi chính sách hiện có một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện chương trình ưu đãi thuế. Cùng với đó, điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cũng như tạo ra thị trường ổn định cho các ngành sản xuất (như công nghiệp ô tô)…
Đặc biệt, Bộ Công Thương đề xuất cần tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn về dung lượng thị trường và chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, cần tiếp tục ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023; tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định (6 tháng hoặc đến hết năm 2023).
Minh An (t/h)Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.