Gỡ khó cho các dự án nước sạch
Với mục tiêu đến hết năm 2020, 100% người dân Thủ đô được sử dụng nước sạch, thời gian qua, Hà Nội đã và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công, xây dựng hệ thống cấp nước sạch tới khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án cấp nước sạch triển khai bị chậm tiến độ, nếu không có các giải pháp tháo gỡ thì khó đạt được mục tiêu đề ra.
Công nhân lắp đặt đường ống dẫn nước sạch tại huyện Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Quang
Mở rộng hệ thống cấp nước nông thôn
Lâu nay, người dân xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) vẫn sử dụng nước giếng khoan. Song lo ngại chất lượng nguồn nước không bảo đảm nên ít gia đình dám sử dụng trong ăn uống. Phó Trưởng thôn Yên Thị (xã Tiến Thịnh) Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Ngoài nỗi lo chất lượng nước không bảo đảm, hằng tháng người dân trong thôn còn chi khoảng 100.000 đồng tiền điện để bơm nước giếng khoan. Vì thế, khi doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt hệ thống cấp nước sạch về địa phương, người dân rất phấn khởi...”.
Hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 12 xã của huyện Mê Linh (phần mạng), do liên danh Công ty Nước sạch nông thôn Thái Bình và Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật năng lượng thực hiện đã hoàn thành lắp đặt đường ống đến từng ngõ, xóm. Nhà máy nước tại xã Tiến Thịnh, công suất 25.000m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng, được Công ty cổ phần Cấp nước Mê Linh triển khai từ năm 2018, đến nay đã cơ bản hoàn thành, lắp đặt đấu nối với mạng lưới truyền dẫn, phân phối tới 12 xã. Dự kiến giữa tháng 7-2020, người dân có thể đăng ký, lắp đặt đồng hồ nước.
Tương tự, dự án cấp nước sạch cho 28 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Xuyên cũng đang được Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam tích cực triển khai.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết: Hiện đơn vị thi công đã hoàn thành tuyến ống truyền tải số 1 dài 13,3km và mạng lưới đường ống phân phối tới 7 xã. Đã có 6.324 hộ/18.383 hộ trên địa bàn huyện đăng ký sử dụng nước.
Tại huyện Hoài Đức, đến nay đã hoàn thành cơ bản mạng lưới đường ống phân phối, dịch vụ trên địa bàn tất cả 17 xã, thị trấn có dự án cấp nước. Toàn huyện đã có 50.458 hộ dân được sử dụng nước sạch, chiếm tỷ lệ 80%.
Thông tin về các dự án nước sạch nông thôn, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết: Thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước (11 dự án phát triển nguồn, 28 dự án phát triển mạng) khu vực nông thôn. Từ 37,2% số hộ dân nông thôn có nước sạch (thời điểm tháng 6-2016), đến nay tỷ lệ này đã nâng lên khoảng 78%. Đặc biệt, tại một số huyện như: Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì... đã cơ bản hoàn thành hệ thống mạng phân phối. “Công tác này cũng đang làm rất tốt tại các huyện: Hoài Đức, Phú Xuyên, Mê Linh. Dự kiến cuối năm 2020, 100% số hộ tại đây sẽ được tiếp cận, sử dụng nước sạch”, ông Lê Văn Du thông tin.
Công nhân thi công đường ống nước sạch tại huyện Mê Linh. Ảnh: Thanh Mai
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn không ít khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, cũng như mục tiêu đến hết năm 2020, 100% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Mê Linh Nguyễn Diệu Hằng cho biết, hiện nhà máy nước của công ty vẫn còn một số hạng mục phụ trợ chưa thể thi công do chưa có mặt bằng. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh thông tin, do vị trí lắp đặt đường ống một số tuyến thuộc hành lang đê sông Hồng nên đơn vị thi công mất nhiều thời gian hơn vì phải xin thêm giấy phép của Bộ NN&PTNT.
Đặc biệt, “động lực” để các nhà đầu tư hào hứng triển khai đã giảm đi nhiều bởi tỷ lệ sử dụng nước sạch của người dân còn khá thấp. Ông Vũ Kim Hà, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam - đơn vị thực hiện dự án xây dựng hệ thống đường ống cung cấp nước sạch cho 11/21 xã của huyện Quốc Oai cho biết: Từ tháng 4-2017 đến nay, công ty đã hoàn thành mạng cấp nước tới 8/11 xã, đã có 10.800/16.000 hộ dân sử dụng, đạt tỷ lệ 68%. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ nước của các hộ chỉ đạt bình quân 4.000-4.500m3/ngày đêm, tương đương 30% công suất thiết kế. “Mức sử dụng thấp nên giá bán nước chỉ áp dụng ở mức 1, do đó hiệu quả đầu tư không cao”, ông Vũ Kim Hà bộc bạch.
Tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, các địa phương đang chủ động phối hợp giải quyết thủ tục hành chính, vận động nhân dân sử dụng nước sạch để bảo đảm vệ sinh. Huyện Phú Xuyên đã làm việc với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp phép thi công trên các tuyến đường trục chính. Còn huyện Mê Linh đang tích cực giải phóng mặt bằng để nhà thầu hoàn tất các hạng mục còn lại của nhà máy nước.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã giao Sở Tài chính căn cứ quy định hiện hành về định mức, đơn giá nước sạch, thực tiễn triển khai các dự án, khẩn trương tham mưu đề xuất, báo cáo UBND thành phố về đơn giá nước sạch áp dụng trên địa bàn, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.
Dạ Khánh - Nguyễn MaiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.