Gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ lên môi trường trực tuyến

Đầu tư và Tiếp thị
08:13 PM 30/03/2021

Chủ tịch VECOM Nguyễn Thanh Hưng cho biết, năm 2020 thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021, cũng như cả giai đoạn tiếp theo tới năm 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ chuyển dịch và mở rộng kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Theo Vietnam Internet Statistic 2020, Việt Nam có hơn 68 triệu người sử dụng mạng xã hội, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Đó là lý do hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp bán hàng trực tuyến (online), hoặc doanh nghiệp kinh doanh truyền thống tại Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, marketing để phát triển chuyên sâu mô hình và phương thức kinh doanh online.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn khiến các doanh nghiệp bán lẻ khó có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến một cách hiệu quả.

Trước hết, với mua hàng trực tuyến, chính sách cam kết về nguồn gốc hàng hóa, thanh toán đảm bảo an toàn, chính sách hậu mãi và chăm sóc sau mua vẫn còn chưa rõ ràng. Vì vậy, niềm tin của khách hàng với mua sắm online vẫn rất thấp. Theo thống kê của Google và Temasek, phần lớn khách hàng vẫn lựa chọn thanh toán tiền mặt (COD) khi mua hàng online để bảo vệ quyền lợi cho mình. 

Nếu nhận thấy hàng hóa không phù hợp, họ có thể từ chối nhận hàng khiến người bán trở nên bị động hơn rất nhiều. Điều này khiến người bán chịu rủi ro khá lớn về hàng hóa, chi phí vận chuyển với các đơn hàng COD bị hủy hoặc chuyển hoàn.

Bên cạnh đó, việc quản lý shop online bao gồm quản lý đơn hàng, cập nhật tồn kho, dữ liệu khách hàng… vẫn còn là nỗi lo của nhiều người bán. Hiện nay, kênh bán hàng ngày càng đa dạng, nhiều người bán cố gắng phân phối sản phẩm của mình trên nhiều kênh khác nhau nhưng lại không có kinh nghiệm quản lý đa kênh. Việc bán hàng đa kênh có thể mang đến nhiều rủi ro trong trường hợp này. Những sàn thương mại điện tử đều có những khoản phạt đối với người bán nếu không có hàng giao, gửi hàng trễ so với qui định, sai hàng…

Chi phí logistics cũng là một trong những vấn đề hàng đầu và chiếm một tỉ trọng lớn trong tổng chi phí kinh doanh thương mại điện tử. Nếu không được tối ưu, khoản chi phí này sẽ được người bán giải quyết theo nhiều cách khác nhau, chủ yếu là cộng thêm vào giá thành sản phẩm.

Để tháo gỡ những khó khăn đó cho doanh nghiệp bán lẻ, VECOM đã phối hợp cùng Google, Haravan, Vietnam Post và Visa tổ chức chương trình Retail University – Thúc đẩy kinh doanh trực tuyến cho Doanh nghiệp bán lẻ. Tháng 11/2020, chương trình tiếp tục được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, thu hút 1.400 học viên đăng ký với hơn 1.000 lượt xem trên YouTube và Gather.

Chuỗi các sự kiện này đã khởi đầu cho các hoạt động tiếp theo vào năm 2021. Từ ngày 7 đến 9/4 tới, Google, VECOM, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng các đối tác như Visa, Sapo, EMS sẽ đưa Retail University trở lại, nhằm giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt phát triển tối đa tiềm năng của mình.

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch VECOM cho biết tại lễ công bố sự kiện: "Năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như giai đoạn đến năm 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ chuyển dịch và mở rộng kinh doanh trên môi trường trực tuyến".

Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, đối tác của Retail University chia sẻ: "Dưới tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nhanh chóng chuyển đổi số và thiết lập thương mại đa kênh, cùng lúc đảm bảo các kênh thanh toán được bảo mật và phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp địa phương qua nhiều chương trình kinh doanh thiết thực, bao gồm kỹ năng thực tiễn là nền tảng kiến thức miễn phí giúp doanh nghiệp kinh doanh thành công và các ưu đãi của Visa nhằm tăng cường hiệu quả vận hành, hướng tới kinh doanh bền vững".

Nhã Mi
Ý kiến của bạn