“Gỡ khó” cho doanh nghiệp Nghệ An: Cần cụ thể hoá bằng hành động!
Trong dòng chảy phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò là động lực quan trọng. Tại Nghệ An, khối doanh nghiệp tư nhân đang đứng trước nhiều cơ hội để vươn lên mạnh mẽ. Tuy vậy, vẫn còn những rào cản nhất định cần được tháo gỡ để doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương.
- Nghệ An: Đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt tốc độ cao
- Nghệ An: Triển khai các nhiệm vụ phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
- Nghệ An: UBND tỉnh trình kỳ họp 31 HĐND tỉnh 15 dự thảo nghị quyết chuyên đề
- Nghệ An: Triển khai phong trào 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số'
- Nghệ An: Tăng cường kết nối, lắng nghe ý kiến nhân dân sau Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đã cho thấy tinh thần cải cách mạnh mẽ, tiếp cận đúng những khó khăn, vướng mắc của khối doanh nghiệp tư nhân. Quan trọng hơn, Nghị quyết thể hiện rõ nội dung "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia…".
Chính bởi vậy, việc tháo gỡ những "rào cản" cho doanh nghiệp được những người đứng đầu tỉnh Nghệ An rất quan tâm, xem là yêu cầu cấp thiết và chỉ đạo triển khai thực hiện bằng những giải pháp kịp thời, hiệu quả. Qua đó, sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và xa hơn nữa là vì sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà.

Ông Phùng Thành Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và đoàn công tác kiểm tra thực tế tại các cụm công nghiệp đang gặp khó khăn để đưa ra phương án tháo gỡ.
Mong mỏi tháo gỡ vướng mắc…
Hơn nửa chặng đường của năm 2025 đã qua đi, bức tranh kinh tế Nghệ An ghi nhận nhiều kết quả tích cực với mức tăng trưởng đạt 8,24% trong 6 tháng đầu năm 2025, xếp thứ nhất tiểu vùng Bắc Trung Bộ. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản ước tăng 4,48%, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 13,45%, riêng công nghiệp ước tăng 14,42%,…
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2025 ước thực hiện 13.890 tỷ đồng, đạt 78,4% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 13.001 tỷ đồng (đạt 81,2% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 870 tỷ đồng (đạt 53,4% dự toán, tăng 4,3% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, qua đánh giá chung, mặc dù kinh tế Nghệ An có mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm, nhưng vẫn chưa đạt kịch bản đề ra (9,25%) tạo áp lực lên việc hoàn thành kịch bản tăng trưởng các quý còn lại, việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 10,5% như Chính phủ giao vẫn còn nhiều thách thức.
Trong đó, điểm đáng chú ý là doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều "rào cản", gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về nội dung này, tại Văn bản số 3588/STC-TC&PTDN ngày 20/6/2025 của Sở Tài chính gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc báo cáo giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp tháng 6/2025 cũng đã thể hiện rõ nhiều vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Lấy ví dụ điển hình như vấn đề thuê đất đã và đang khiến cho các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (cũ) đau đầu, mong muốn được các cấp ngành, chính quyền địa phương đưa ra phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để tập trung ổn định hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh.
Tại văn bản đã nêu, có 2 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực khai thác khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp (cũ) mong muốn tỉnh xử lý vướng mắc trong việc lập hồ sơ thuê đất (phần đất còn lại) do chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Các tổ chức này đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản và đã được thuê đất một phần diện tích trước đây mà không phải thực hiện thủ tục đầu tư, nay đề nghị thuê đất đối với phần diện tích còn lại.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp khác đưa ra ý kiến về việc giải quyết, xử lý để thuê phần diện tích đất có rừng tự nhiên nhằm thực hiện dự án khai thác khoáng sản. Tương tự, kiến nghị của 3 doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (cũ) liên quan đến việc chuyển mục đích rừng tự nhiên và thuê đất đối với diện tích đất có rừng tự nhiên để thực hiện dự án khai thác khoáng sản.

Nghệ An là địa phương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản lớn của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Cần trợ lực từ chính quyền
Nghệ An là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với diện tích rừng 1.018.788 ha, trong đó có gần 200.000 ha rừng trồng. Bình quân mỗi năm, Nghệ An trồng khoảng 19.000 ha rừng tập trung, sản lượng gỗ rừng trồng bình quân hàng năm đạt trên 1,7 triệu m3. Đây được xem là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu dăm gỗ trong và ngoài địa bàn tỉnh.
Những năm trở lại đây, ngành gỗ Nghệ An phát triển rất mạnh mẽ, hoạt động sôi động trên mọi lĩnh vực, từ trồng trọt, khai thác cho đến sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Qua đó, mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương cũng như góp phần giải quyết nhu cầu tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng, chủ rừng Nhà nước.
Do vậy, các công ty khai thác, chế biến lâm sản đóng trên địa bàn mong muốn chính quyền tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tận dụng nguyên liệu, chế biến sâu để tạo ra sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp hy vọng các cấp chính quyền cơ sở cần kịp thời xác nhận cho các hộ dân khai thác rừng trồng của dân để bán cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, trong đó khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thu mua và chế biến sâu nguyên liệu.
Qua khảo sát thực tế, nhóm PV Doanh nghiệp và Tiếp thị nhận thấy vẫn còn tình trạng hoạt động về băm dăm trái phép, không kiểm soát dẫn đến việc khai thác rừng cây trồng non, cạnh tranh không lành mạnh và đặc biệt là gây nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu, tiềm ẩn những hệ luỵ phát sinh liên quan đến môi trường, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
Ngoài những khó khăn, vướng mắc vừa nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Nghệ An còn đưa ra những kiến nghị, giãi bày trăn trở khác để gửi gắm đến các cấp ngành, chính quyền địa phương, với mong muốn sẽ sớm được tháo gỡ một cách triệt để. Qua đó, giúp doanh nghiệp phát triển, tạo tiền đề để tỉnh vươn mình, hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội như đã đề ra hồi đầu năm.
Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần phải quyết kịp thời, thực chất các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà, tham nhũng, tiêu cực để củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ nội dung Kỳ họp thứ 31 (kỳ họp thường lệ) của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong 2 ngày mồng 9 - 10/7/2025, HĐND tỉnh sẽ xem xét nhiều báo cáo quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công, phòng chống tham nhũng, an toàn thực phẩm và công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm.

Một cơ sở tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn (cũ) có dấu hiệu chưa hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan.
Điểm đáng chú ý tại Kỳ họp, nội dung chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề nổi cộm. Thứ nhất, việc thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thứ hai, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh.
Tin tưởng rằng, sau khi sáp nhập thành chính quyền hai cấp, cùng với việc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, tỉnh Nghệ An sẽ có những chuyển động mạnh mẽ từ cơ sở nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để địa phương góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đảm bảo tiến độ, chất lượng, sẵn sàng cùng cả nước vươn mình trong kỷ nguyên phát triển mới.
Thái Quảng - Hồng Quang
Giá xăng, dầu tại kỳ điều hành hôm nay (10/7) được điều chỉnh tăng sau khi giảm mạnh vào tuần trước, giá xăng RON 95 vượt 20.000 đồng/lít.