Gỡ khó cho ngành thép: Cần các biện pháp toàn diện và căn cơ hơn
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành thép hiện tại, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp tổng thể, toàn diện và căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành thép phục hồi và phát triển.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 6 tháng đầu năm, ngành thép đã đạt được những kết quả tích cực. Sản xuất thép thành phẩm đạt 14,427 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng thép thành phẩm đạt 14,274 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,216 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
VSA dự báo, sản xuất thép thành phẩm năm 2024 của nước ta có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tiêu thụ thép tại thị trường trong nước năm nay dự kiến sẽ tăng 6,4% so với năm 2023, đạt 21,6 triệu tấn. Ước tính tồn kho khoảng 8,4 triệu tấn.
Tuy nhiên xu hướng tăng trưởng ngành thép chưa có dấu hiệu chắc chắn, ngành thép vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, cùng với đó các nước cũng ngày càng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại và áp dụng nhiều rào cản, tiêu chuẩn khắt khe mới về môi trường, lao động.
Theo Bộ Công thương, thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép.
Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc, Malaysia, Indonesia…
Trước những khó khăn hiện nay, nhiều chuyên gia đã "hiến kế" để gỡ khó cho ngành công nghiệp cơ bản này.
Nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm, cần có giải pháp tổng thể, toàn diện và căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành thép phục hồi và phát triển.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có một số biện pháp phòng vệ thương mại như: phôi thép, thép xây dựng, thép không gỉ, tôn mạ màu… gần đây, các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề cần áp dụng phòng vệ thương mại với một số sản phẩm mới và tiếp tục duy trì phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm như thép không gỉ.
Tại Hội nghị trực tuyến về "tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng", ông Phạm Công Thảo – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, để bảo vệ sản xuất trong nước, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là tốt trong những trường hợp cụ thể. VSA khuyến khích áp dụng phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép trong nước sản xuất đã áp ứng được hoàn toàn nhu cầu nội địa.
Theo TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là chống bán phá giá là công cụ hợp pháp để ngành sản xuất nội địa, cụ thể là sản xuất thép, có thể sử dụng để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh ví dụ như bán phá giá hay bán những sản phẩm được trợ cấp bởi Chính phủ của nước xuất khẩu vào Việt Nam.
Theo bà Trang, về lâu dài, cần sự hỗ trợ của Nhà nước trông việc ban hành một khung khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi công cụ phòng vệ thương mại một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với WTO để làm sao các doanh nghiệp sản xuất nội địa có thể sử dụng một cách thuận lợi, hiệu quả, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định.
Các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.
An Mai (t/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.