Góc nhìn chuyên gia: Thị trường sẽ đi về đâu sau "cú sập" mạnh vào phiên cuối tuần?
"Khả năng thị trường tuần sau vẫn sẽ có những cú rung rũ để tìm điểm cân bằng và kích thích dòng tiền cơ cấu lại danh mục đầu tư mới", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta nêu nhận định.
Thị trường vừa trải qua ngày cuối tuần "đen tối" khi VN-Index bốc hơi gần 39 điểm về mốc 1.443. Như vậy, thành quả tăng giá cả tháng trời đã bị "thổi bay" chỉ trong phút chốc. Theo các chuyên gia, điều gì đang diễn ra?
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI): Thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến một phiên giao dịch khốc liệt khi chỉ số và thanh khoản đều giảm mạnh. Đầu phiên giao dịch, lực bán chủ yếu diễn ra ở những mã Penny và Midcap khi đã tăng quá "nóng" trong thời gian qua. Song đến những phút cuối phiên, lực bán kích hoạt trên diện rộng khiến tâm lý nhà đầu tư rơi vào hoảng loạn, bán thốc bán tháo cả những cổ phiếu trong nhóm Blue-chips.
Để lý giải về điều này có thể kể đến hai nguyên nhân. Đầu tiên là do tâm lý nhà đầu tư đang bị tác động bởi đà giảm sâu của thị trường thế giới. Đặc biệt, hiện nhiều quốc gia xuất hiện biến chủng Omicron phải phong toả hoặc hạn chế đi lại, điều này khiến cánh cửa mở cửa hội nhập kinh tế trong tháng 12 dường như đóng sập lại.
Thêm vào đó, nhà đầu tư đang thận trọng hơn trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp các chương trình thu mua trái phiếu. Điều này khiến thị trường dự đoán việc tăng lãi suất cũng sẽ sớm được đưa ra.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI)
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco: Thị trường Việt Nam hiện đang bị ảnh hưởng từ các sự kiện bên ngoài, khi không chỉ VN-Index mà các kênh tài sản khác trên thế giới đều bị bán khá mạnh, nhất là kênh tiền ảo với mức sụt giảm 2 chữ số cuối tuần qua. Tác nhân chính vẫn là lo ngại biến thể mới Omicro lây lan, đồng thời FED đang phát đi thông điệp sẽ đẩy nhanh quá trình cắt giảm chương trình mua tài sản và nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Tại Việt Nam, phiên cuối tuần vừa rồi được cộng hưởng bởi thông tin đã có những ca nhiễm biến thể mới đầu tiên tại một số nước Đông Nam Á. Trường hợp biến thể mới lan tới Việt Nam sẽ là một đòn đánh bồi thêm với nền kinh tế khi chúng ta mới ở giai đoạn đầu hồi phục sau khi quý 3 đã sụt giảm nặng nề.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta: Thị trường trong hai tuần vừa qua liên tục đi ngang cho thấy nhà đầu tư đã phần nào lường trước được rủi ro và có sự thận trọng nhất định. Do đó, phiên giao dịch cuối tuần chỉ như "giọt nước tràn ly" khi tâm lý hoảng loạn đẩy lên đỉnh điểm.
Đặc biệt lượng margin tại nhiều công ty chứng khoán đang trong trạng thái căng cứng, chủ yếu tập trung ở nhóm vốn hoá vừa và nhỏ. Trong khi tuần giao dịch vừa rồi, hàng loạt cổ phiếu nhóm này giảm mạnh xuống mức giá sàn, thậm chí mất thanh khoản. Do đó, để bảo toàn khả năng thu hồi nợ, các công ty chứng khoán bắt buộc bán ra các cổ phiếu trong danh mục, từ đó tạo thành hiện ứng domino đồng loạt giảm vào phiên cuối tuần.
Sự thất bại của blue-chips, đặc biệt là nhóm "cổ phiếu vua" một lần nữa lại khiến nhà đầu tư thất vọng tràn trề. Theo các chuyên gia, liệu còn có thể kỳ vọng nhóm ngân hàng sẽ "lật ngược tình thế" để trở thành trụ đỡ cho thị trường không?
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI): Nói về nhóm ngân hàng cần nhấn mạnh ba yếu tố, (1) vai trò lớn, (2) định giá hấp dẫn, (3) những câu chuyện riêng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tích luỹ đi ngang trong một thời gian khá dài. Với mặt bằng giá thấp cộng với những phiên giảm bất ngờ, nhóm cổ phiếu này đang có mức định giá rất hấp dẫn. Trên thực tế, trong hai tuần giao dịch gần đây đã có những tín hiệu ban đầu cho thấy dòng tiền quay trở lại nhóm ngân hàng. Đặc biệt khi tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu nhóm đầu cơ, dòng tiền có thể tìm đến nhóm ngân hàng trong thời gian sắp tới. Với tốc độ lợi nhuận tăng trưởng được dự báo vẫn duy trì ở mức cao, tôi tin nhóm "cổ phiếu vua" vẫn là nhóm ngành dẫn dắt thị trường trong tháng 12 và những quý đầu năm 2022.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco: Nhóm ngân hàng tuần vừa rồi gặp áp lực chốt lời do đã tăng trong tuần trước đó, bên cạnh việc thị trường diễn biến xấu nên nhóm này không tránh khỏi việc diễn biến kém hơn so với mặt bằng chung. Thời điểm hiện tại, tôi nhìn nhận nhóm nay sẽ có độ an toàn cao do nhiều mã đã về nền giã cũ, áp lực chốt lời không lớn. Cũng cần lưu ý là nhóm ngân hàng, với vị thế là nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường, được các quỹ đầu tư sở hữu tỷ trọng khá cao trong danh mục.
Giai đoạn tháng 12 tỷ suất nhóm ngân hàng này sẽ là một trong những nhân tố tác động tới performance của các quỹ so với thị trường. Tôi cũng kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 4 của ngành ngân hàng duy trì đà tăng trưởng, đồng thời hàng loạt các thông tin chính sách hỗ trợ như nới "room" ngoại, tăng hạn mức tín dụng, phát hành, … sẽ là chất xúc tác để nhóm ngân hàng tăng giá thời gian tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta: Đà suy giảm của nhóm ngân hàng đến từ hai nguyên nhân chủ yếu, đầu tiên là do dòng tiền vẫn đang bị cuốn vào sóng đầu cơ, thứ hai dù nhóm ngân hàng đã điều chỉnh mạnh và có mức định giá khá rẻ tuy nhiên vẫn chưa thực sự đủ lực để "kéo" dòng tiền.
Đặc biệt, mới đây Thông tư 16 quy định các ngân hàng thương mại chỉ được đầu tư 3% khoản trái phiếu cũng có thể là nguyên nhân tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu này. Bởi, trái phiếu là nguồn thu lớn của hầu hết các ngân hàng từ năm 2018 trở lại đây. Thậm chí, có những thời điểm nguồn thu từ trái phiếu còn bù đắp vào phần hụt thu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Bởi vậy, việc áp dụng Thông tư này khiến giới đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới.
Tuy dòng tiền khó quay trở lại vào nhóm ngân hàng trong tuần tới, nhưng cũng sẽ là điểm trụ đỡ giúp thị trường tránh những phiên giảm sâu. Nhìn về trung hạn, nhóm cổ phiếu này vẫn sẽ đi ngang "chờ thời", nói cách khác là chờ một câu chuyện mới để hút dòng tiền.
Theo quan sát, lượng margin hiện đang trong trạng thái căng cứng. Liệu đà giảm sâu trong tuần qua đã dẫn hiện tượng giải chấp tại các công ty chứng khoán?
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI): Thống kê sơ bộ cho thấy, có nhiều mã cổ phiếu đã giảm mạnh 10 - 15% chỉ trong 1-2 phiên và hầu hết số này thuộc nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ. Trong khi đó, nhà đầu tư mua các cổ phiếu này thường sử dụng dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán ở mức cao. Do vậy, khi có sự điều chỉnh giảm, hiện tượng giải chấp trong tuần vừa qua đã xuất hiện và cũng là một trong những yếu tố đẩy thị trường giảm sâu. Nếu thị trường vẫn điều chỉnh giảm, hoạt động giải chấp nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco: Tôi không cho rằng thị trường đối mặt nguy cơ bán giải chấp do mặt bằng giá về cơ bản vẫn đang cao hơn giai đoạn trước. Thị trường giảm mạnh 1 phiên chưa có ý nghĩa nhiều, nếu có tiềm ẩn giải chấp thì theo tôi chỉ đến ở nhóm cổ phiếu đã tăng nóng có tỷ lệ đòn bẩy cao và đang quá trình giảm sàn liên tục. Mặc dù vậy, cần theo dõi thêm diễn biến thị trường, nếu có thêm 2 phiên giảm mạnh thì rất nhiều mã sẽ chạm ngưỡng rủi ro phải xử lý thu hồi vốn đối với các công ty chứng khoán.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta: Theo quan sát, thị trường tuy chưa xảy ra hiện tượng call margin đồng loạt, song hiện tượng giải chấp đã xuất hiện ở một số nhóm ngành. Khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang diễn biến tiêu cực, công ty chứng khoán đang có động thái siết chặt để kiểm soát rủi ro, cụ thể là hạn chế cho vay thêm room với những cổ phiếu trong nhóm này. Nhiều khả năng vào đầu tuần sau, các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục chủ động bán ra để giảm lượng margin.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta
Sự "tháo chạy" trong phiên cuối tuần cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang vô cùng bất ổn. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục như thế nào trong thời điểm này?
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI): Để xác định hành động trong thời điểm này, nhà đầu tư cần làm rõ hai yếu tố là triển vọng thị trường trong thời gian tới như thế nào và tỷ trọng danh mục của mình đã hợp lý chưa.
Về yếu tố triển vọng thị trường, tôi cho rằng thị trường chứng khoán hoàn toàn có cơ hội hồi phục nhờ những yếu tố vĩ mô tích cực. Thứ nhất, chuyên gia y tế đã nhận định biến chủng Omicron lần này tuy lây lan nhanh nhưng không mạnh nên khó tác động sâu rộng đến nền kinh tế. Thứ hai, việc Fed điều hành đẩy nhanh thu hẹp mua trái phiếu chỉ nhằm mục đích giảm kích thích chứ không phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Do đó, mặt bằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp trong ít nhất một năm nữa. Thứ ba, lạm phát ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức ổn định và dư địa cho việc điều hành chính sách nới lỏng tiền tệ còn lớn. Thứ tư, những gói hỗ trợ mà Nhà nước đang nghiên cứu cũng sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế trong dài hạn.
Về danh mục cổ phiếu, nếu nhà đầu tư đang nắm giữ những cổ phiếu Blue-chips mà chưa tăng giá nên có sự kiên nhẫn để chờ đợi dòng tiền quay lại. Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu đầu cơ thì nên xem xét cơ cấu giảm bớt danh mục, bởi khi dòng tiền rút ra thì "cuộc chơi đầu cơ" có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco: Do thị trường hiện đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố bên ngoài là chủ yếu. Vì vậy theo tôi nên cơ cấu lại danh mục theo hướng tăng tỷ trọng tiền mặt, giảm tỷ trọng cổ phiếu để có vị thế chủ động trước các diễn biến bất thường của thị trường, cụ thể tỷ trọng tôi khuyến nghị là 30% tiền mặt và 70% cổ phiếu. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên sử dụng margin giai đoạn này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta: Tuy thị trường khó xảy ra trường hợp giảm sâu trong thời gian tới, song nhà đầu tư cũng nên kiểm soát rủi ro cho danh mục. Cụ thể là giảm tỷ lệ cổ phiếu về mức thấp tầm 40% danh mục. Quan trọng nhất là hạ lượng margin về mức thấp và tránh "bắt đáy" trong thời điểm này.
Trước "cú sập" mạnh vào cuối tuần qua, ông dự báo thị trường tuần tới sẽ diễn biến như thế nào?
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Thị trường trải qua một tuần giao dịch tiêu cực với việc áp lực chốt lời gia tăng mạnh. Chúng tôi cho rằng đà giảm của thị trường có thể tiếp diễn trong một vài phiên đầu tuần trước khi bình ổn trở lại vào cuối tuần. Chỉ số VN-Index có thể hướng đến vùng hỗ trợ 1.420-1.435 điểm trước khi phục hồi trở lại. Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ lệ tiền mặt lớn có thể đợi các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế như tiêu dùng, bán lẻ, điện.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco: Tôi dự báo thị trường có thể hồi phục ngay trong phiên đầu tuần, tuy nhiên thanh khoản sẽ thấp hơn mức trung bình. Các phiên sau đó sẽ tích lũy dần chờ đợi các thông tin mới về biến thể Covid mới cũng như các chính sách của Fed.
Tuy nhiên, tôi vẫn duy trì triển vọng tích cực trong tháng 12, sẽ quay lại vượt mốc 1.500 điểm và tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Vì vậy những phiên giảm điểm sắp tới sẽ là cơ hội tốt để tích lũy những cổ phiếu bluechip, đầu ngành. Xu thế dòng tiền tiếp tục diễn ra theo hướng rút khỏi dòng penny và quay trở lại dòng cổ phiếu cơ bản, trong đó có thể kể tới nhóm ngân hàng, bất động sản.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) Tôi cho rằng đây chỉ là một đợt điều chỉnh ngắn hạn để tiếp tục lấy đà đi lên. Thị trường tuần tới sẽ có sự đảo chiều, nhóm cổ phiếu nhóm blue-chips có thể sẽ làm trụ là lực đỡ cho thị trường không giảm quá sâu.
Trong những phiên đầu tuần, chỉ số VN-Index có thể quay về ngưỡng hỗ trợ 1.420 điểm. Sau khi đến vùng này, lực cầu rất có thể sẽ quay trở lại giúp thị trường hồi phục ở mốc 1.460-1.480 điểm vào cuối tuần.
Nhóm ngành có thể "dẫn dắt" thị trường trong tuần tới có thể là ngân hàng, chứng khoán. Ngược lại, những nhóm đã tăng "nóng" trong thời gian qua như vật liệu xây dựng ,bất động sản,.. có thể sẽ bị phân hoá mạnh.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta: Khả năng thị trường tuần sau vẫn sẽ có những cú rung rũ để tìm điểm cân bằng và kích thích dòng tiền cơ cấu lại danh mục đầu tư mới. Chỉ số VN-index trong tuần tới có thể sẽ còn giảm trong tuần tới và kiểm định lại các ngưỡng hỗ trợ kế tiếp 1.420 – 1.425 điểm.
Trong đó, những cổ phiếu mang tính chất đầu cơ có thể gặp áp lực điều chỉnh mạnh. Bên cạnh đó, dòng chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi cuối năm các công ty chứng khoán thường siết lượng margin để đưa về tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của UBCKNN. Theo đó, các công ty chứng khoán thường có xu hướng bán ra lượng lớn cổ phiếu nắm giữ, vì vậy những công ty có lượng tự doanh cao sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong tháng cuối năm.
Minh ChâuThành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.