Góc nhìn tài chính đa chiều: Vừa chạy vừa xếp hàng với ngân hàng số
30 triệu khách hàng sử dụng hệ thống ngân hàng thanh toán điện tử mỗi ngày, nhưng con số tiềm năng sẽ còn lớn gấp nhiều như thế, nếu đảm bảo được định danh khách hàng...
Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến: Ngân hàng số và thanh toán điện tử
- gợi mở từ khủng hoảng COVID-19 do Tạp chí DĐDN tổ chức mới đây
Chỉ có điều việc định danh không phải muốn, hay nói mà làm được ngay.
Dữ liệu cho định danh
Ở khu chung cư nơi tôi ở, năm 2019, các vị cán bộ quản lý dân phố theo yêu cầu của phường đã đi điều tra và lấy thông tin dân cư nhằm phục vụ xây dựng cơ sở cho hệ thống dữ liệu quốc gia. Nhưng cách thức lấy dữ liệu của họ là khá sơ sài. Họ phát một mẫu in chung cho ban quản trị chung cư hoặc đội bảo vệ để phát lại đến từng hộ dân, cư dân tùy nghi điền thông tin rồi “nộp” lại, mà không có tiếp xúc trực tiếp, rà soát, kiểm tra chéo dữ liệu. Ai muốn khai gì thì khai.
Cuộc điều tra rầm rộ này, cũng không mấy ai biết như báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0h ngày 1/4/2019, được thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, lần đầu tiên còn có ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn. Theo đó, bên cạnh điều tra bằng giấy truyền thống, người dân sẽ thể cung cấp thông tin bằng phiếu trực tuyến sử dụng Internet; hay phiếu điện tử trên thiết bị di động.
Có lẽ vì có nhiều cư dân như tôi còn thiếu sót chưa bám sát công tác “tiếp thị” về chính sách đổi mới tiến bộ trong thu thập thông tin điều tra dân số, thế nên tại TP HCM- đại đô thị đông dân cư nhất Việt Nam, luôn có sự chênh lệch giữa 2 dữ liệu dân số thực tế và thống kê ở mức rất cao. Số thực năm 2019 của thành phố này là trên 13 triệu dân. Số thống kê là khoảng 9 triệu dân. Tức hơn 4 triệu dân có thể chưa có mặt trong “sổ cái”. Đây chính là khoảng trống khiến các mô thức, phương thức, loại hình phát triển trong nền kinh tế số bao gồm thanh toán điện tử và phát triển ngân hàng số toàn diện cũng chưa thể nói hay ho ngay rằng đã thực sự có sự bùng nổ trên cơ sở một nền tảng vững chắc, để vươn tới phát triển đúng nghĩa 2 chữ "toàn diện".
Khi dữ liệu đầu vào thiếu độ chính xác, dữ liệu đầu ra tất yếu cũng không thể chính xác. Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định: “Chừng nào chưa xác định được chủ thể của giao dịch, chưa định danh được khách hàng, thì khi đó chúng ta không thể phát triển được thanh toán điện tử”. Do đó, để có được điều này, kiến nghị thứ nhất mà đại diện NHNN đã nêu tại Diễn đàn “Ngân hàng số và Thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng COVID-19”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hôm 21/5 vừa qua, là Việt Nam phải đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm...
Tận dụng thời cơ hay nên chậm cho chắc?
Việc sử dụng dữ liệu phụ thuộc chất lượng chính xác của đầu vào cũng như chất lượng chuyên môn của chuyên gia “đọc” Big Data chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, giả định thiết lập được một cơ sở dữ liệu lớn sẵn sàng cho việc sẻ chia và là “nền” cho kết nối vạn vật (internet of thing, IoT); từ đó trải rộng chào đón sự mở rộng của các thành tố cấu thành hệ sinh thái ngân hàng số và thanh toán điện tử, thì ngoài sự chính xác và phân tích dữ liệu chuẩn, còn đòi hỏi một yếu tố tưởng tất yếu nhưng vô cùng gian nan khi thực hiện. Đó là bảo mật, an toàn.
Trong một xã hội mà chúng ta lúc nào cũng được ví von là có thể bị “lột trần truồng” trên các mạng xã hội, ý thức người dùng về bảo mật cho chính bản thân còn chưa được nâng cao, thì an toàn, bảo mật cho hệ thống tài chính, cho mỗi chủ thể tham gia kinh tế internet, tham gia ngân hàng số và gắn kết là các loại hình hỗ trợ - kết nối trong hệ sinh thái toàn diện, tạo nên mạng lưới thanh toán điện tử toàn diện, bao trùm, "không bỏ rơi ai", đang rất cần được đề cao. Nền tảng của chúng ta lại chưa thuận ý song hành ngay được cùng cái “cần” quan trọng đó.
Ví dụ cụ thể ngân hàng hiện nay vẫn chưa thể loại trừ triệt để được việc dùng chứng minh thư nhân dân (CMTND) giả đăng ký tài khoản định danh, hay cho mượn số thuê bao điện thoại để đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Nhiều trường hợp khách hàng vẫn giữ CMTND trong người nhưng lại nhận được thông báo mở tài khoản thành công, hay khách hàng giữ thẻ trong ví mà tiền lại "bay hơi" dù không giao dịch…đang xảy ra, lọt lưới ở nhiều tổ chức tín dụng...
Năm 2018, Thế giới Di động đã rất chật vật vì tin đồn hacker đã lấy được tệp dữ liệu có tài khoản ngân hàng, email, lịch sử giao dịch của khách hàng. Mới đây, trường hợp một khách hàng Vietcombank bị đòi tiền do đối tượng đòi chuyển nhầm theo phong thái hăm dọa là đã nắm giữ tường tận thông tin cá nhân của khách hàng này làm nóng mạng xã hội. Điều đó đặt ra câu hỏi về việc có hay không chuyện rò rỉ dữ liệu từ các nhà bán lẻ hay từ nội bộ nhà băng lớn nhất Việt Nam?
Hay bản thân người viết trong mùa dịch cũng "được" một khách hàng chuyển nhầm 40 triệu đồng vào tài khoản Vietinbank. Khi ngân hàng gửi email đề nghị ra trung tâm giao dịch chuyển trả lại tiền, thì email tạm thời có "định danh" do gắn với tên miền riêng của ngân hàng, song các giấy tờ đính kèm chứng minh khách hàng chuyển nhầm thì lại không dấu má. Khi hỏi giao dịch viên về vấn đề này, câu trả lời cũng không hề thuyết phục...
Tất cả đều cho thấy dù thực hay giả, không gian số và giao dịch tài chính số luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định mà mọi ứng xử của các tổ chức, nhìn ở khía cạnh tâm lý thuần túy, lại chưa mang được cho khách hàng sự an tâm.
Với Mobile Money – một phần tương lai mới của thị trường thanh toán điện tử - vấn nạn sim rác cũng chưa được xử lý, dù để chuẩn bị “đón lõng” thời kỳ này, ngành viễn thông đã bắt đầu yêu cầu đăng ký thông tin thuê bao “chính chủ”. Trên thực tế, không khó để kiểm tra sim rác còn hoành hành, hay việc bán dữ liệu thông tin cá nhân còn tràn lan khi mỗi ngày bạn vẫn nhận được hàng chục cuộc gọi và tin nhắn chào mời mua sim điện thoại số đẹp, mua nhà đất, thậm chí rao vặt kiểu dọn vệ sinh, sửa ống nước…
Có thể nói chúng ta còn quá nhiều việc để làm và chỉ mới đang ở những công đoạn hoàn bị dần cho nền tảng phát triển hoàn toàn ngân hàng số, thanh toán điện tử phục vụ nền kinh tế trên không gian số. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thanh toán điện tử và nỗ lực của các nhà băng để không chỉ "ném đá dọ đường", còn dần phác thảo những dự án, chiến lược ngân hàng số và đưa vào thực tế kinh doanh, cho phép chúng ta hy vọng vào lợi thế đòn bẩy khi nắm bắt cơ hội "di dân" nhanh vào kỷ nguyên số hậu COVID-19.
Ngay cả như vậy, những khó khăn, ngổn ngang không thể cản đường; và các tổ chức cũng không thể chờ sự hoàn bị mới bắt tay phát triển. Một chuyên gia nhận định rằng ngành ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm, các trung gian thanh toán, Fintech… đều đã và đang vừa chạy chiến lược số, vừa tích lũy dữ liệu khách hàng, kết nối, vừa chờ hoàn tất định danh, chia sẻ. Chắc hẳn họ cũng sẽ cân nhắc, không quên lời "nhắc nhỏ" hữu ích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia ngân hàng khác, rằng: "Hạ tầng công nghệ của chúng ta còn yếu; hoạt động lừa đảo, gian lận vẫn đang hoành hành mà chúng ta chưa kiểm soát được. Do đó, đừng vội vã!".
Theo Enternews
Còn một tháng nữa mới kết thúc năm nhưng số thu thuế thu nhập cá nhân cuối tháng 11 ước đạt 106,9% dự toán, với 170.000 tỷ đồng.