Gói hỗ trợ 2% lãi suất: Kỳ vọng vực dậy “sức khỏe” doanh nghiệp
Việc hỗ trợ 2% lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khắc phục được khó khăn, giảm bớt chi phí vốn và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Ngân hàng sẵn sàng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư hướng dẫn các ngân hàng thực hiện việc hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn. Đây là chính sách trong chương trình phục hồi kinh tế với số tiền 40.000 tỷ đồng. Các chuyên gia tài chính nhận định, gói hỗ trợ lãi suất 2% trong giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ nhiều khả năng sẽ đạt hiệu quả tốt bởi gói hỗ trợ lần này có nhiều hậu thuẫn của các chính sách khác và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp đang phục hồi.
Hiện, các ngân hàng đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai gói hỗ trợ này.
Ngân hàng Agribank cho biết, từ ngày 26/5, ngân hàng này đã bắt đầu triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế, áp dụng đối với các thoả thuận cho vay, giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023, và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5 đến 31/12/2023.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, ngân hàng sẽ rà soát những khách hàng đã có hợp đồng tín dụng từ đầu năm để hỗ trợ bổ sung cho những đối tượng trong diện được hỗ trợ. "Về mặt nguyên tắc chúng tôi xác định 11 nhóm ngành trong nhóm được ưu tiên thì đều được hỗ trợ. Chúng tôi sẽ rà soát và những khoản đã giải ngân từ 01/01/2022 thì NH sẽ gặp gỡ khách hàng để thoả thuận bổ sung, cam kết hỗ trợ cho khách hàng".
Cùng với Agribank, hàng loạt ngân hàng khác như: BIDV, VietinBank, Vietcombank… cũng cho biết đã ban hành hướng dẫn nội bộ để triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cũng khẳng định, Vietcombank đã ban hành nội bộ các văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư 03. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc triển khai của Vietcombank sẽ diễn ra thuận lợi. Hiện tại, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt trên 1 triệu tỷ đồng; trong đó, các đối tượng được thụ hưởng của chương trình hỗ trợ lãi suất này xấp xỉ 30% tổng dư nợ, với số lượng khách hàng là hơn 30.000 khách hàng. Vietcombank đã chỉ đạo các bộ phận liên quan để thống nhất các quy trình nội bộ, truyền thông… để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của NHNN; đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch, không trục lợi chính sách. Vietcombank cam kết thực hiện tốt và toàn diện gói chính sách ưu đãi này.
Tương tự, Ngân hàng ACB đã tổ chức họp phổ biến nội dung và phân công cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai Nghị định. Theo yêu cầu của NHNN, ACB đã đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất là 2.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô tín dụng 100.000 tỷ đồng, trong vòng 2 năm. ACB đã có chương trình chuẩn bị tập huấn cho các chi nhánh trong hệ thống ngân hàng ACB. Ngân hàng này cũng xin cam kết với NHNN sẽ nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 và Thông tư 03.
Đại diện BIDV cho biết, ngân hàng này sẽ không "vẽ" thêm bất cứ thủ tục nào cho khách hàng mà làm đúng theo quy trình cấp tín dụng gắn với đúng đối tượng được giảm lãi suất để hỗ trợ. Theo quy định, khoản vay không được hỗ trợ lãi suất chương trình này là có số dư nợ gốc, lãi quá hạn. Sau khi khách hàng đã trả hết số nợ quá hạn thì sẽ được hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ trả nợ lãi tiếp theo. Còn với các khoản vay được gia hạn nợ thì sẽ được hỗ trợ trong thời gian gia hạn nợ.
Gắn kết ngân hàng - doanh nghiệp
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp bổ sung và thời gian tới sẽ song hành cùng các giải pháp mà ngành ngân hàng đã, đang và sẽ triển khai (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn; đồng thời, chính sách này còn giúp gắn kết ngân hàng và doanh nghiệp sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Gói tín dụng ưu đãi 2% có thể được triển khai ngay, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khôi phục sản xuất.
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đang rất trông chờ vào gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất chính là làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được. Nếu theo luật của các tổ chức tín dụng thì doanh nghiệp (DN) tiếp cận được rất ít với điều kiện: Không có nợ xấu, phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm. Hơn 2 năm dịch bệnh nhiều DN không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hay chuyển nhóm nợ.
Chia sẻ với VOV, anh Trần Anh Tú, Giám đốc công ty TNHH thương mại dịch vụ Minh Tú cho rằng các doanh nghiệp rất mong chờ được áp dụng ngay gói lãi suất ưu đãi. "Tại thời điểm này mà được áp dụng luôn mới kịp thời, các doanh nghiệp đều cần có nguồn vốn để duy trì, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở rộng tái đầu tư. Khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp cần đầu tư mới để thu hút lao động, mở rộng sản xuất nên ý nghĩa nhất là các chính sách hỗ trợ được triển khai ngay".
Nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng, Nghị định 31 đã quy định rõ 11 nhóm ngành được hưởng chương trình hỗ trợ lãi suất. Những tiêu chí để được vay gói hỗ trợ này khá chặt chẽ và khó đạt được trong bối cảnh 2 năm qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ Ngân hàng Nhà nước để các tổ chức tín dụng thực hiện triển khai, từ đó các tổ chức tín dụng sẽ xây dựng kế hoạch cho vay phù hợp với các quy định.
Bên cạnh đó, đại diện các ngân hàng cũng đề nghị chi nhánh NHNN các tỉnh thống nhất trong cách truyền thông, không để tình trạng lúng túng, mỗi ngân hàng giải thích với khách hàng 1 kiểu. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.
Một vấn đề khác mà các tổ chức tín dụng cũng đang kiến nghị là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp rất lớn. Để có thể cho vay hỗ trợ lãi suất kịp thời cho khách hàng, các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.
Bình An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.