Goldman Sachs: Vàng và Bitcoin - không ai "ăn thịt" được ai

Đầu tư và Tiếp thị
04:02 PM 25/02/2021

Các nhà phân tích cho biết vàng và Bitcoin có những "chỗ đứng" riêng và có thể cùng tồn tại trong một danh mục đầu tư.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng Bitcoin sẽ không thể sớm "xơi tái" vị thế của vàng; và mặc dù là "người đi trước" song vàng cũng không thể thay thế Bitcoin. 

"Trong môi trường đồng USD đang suy yếu rộng rãi và tỷ giá thực vẫn rất thấp - ở mức âm, chúng tôi không thấy tài sản nào có thể 'ăn thịt' tài sản nào, mà thị trường vẫn có đủ chỗ cho cà hai", bốn nhà phâ tích của Goldman Sachs viết trong một nghiên cứu công bố hôm 24/2 được đăng tải trên CoinDesk.

Nhóm các nhà phân tích này lưu ý, giá vàng vẫn có xu hướng tăng cao trong năm 2021, và trở thành nơi 'trú ẩn' của nhiều nhà đầu tư. Theo đó, vàng vẫn có vai trò "phòng thủ", trong khi Bitcoin có nhiều "rủi ro" hơn. 

Các nhà phân tích cho biết, trong danh mục đầu tư, Bitcoin sẽ "giữ một vai trò khác vàng", chủ yếu bởi tính chất biến động rất mạnh của tiền điện tử.

Hồi tháng 12 năm ngoái, JP Morgan đã công bố quan điểm cho rằng hoạt động kém hiệu quả của vàng thời gian qua là do sự luân chuyển vốn sang những tài sản rủi ro cao hơn, nhưng không nhắc tới vai trò của Bitcoin trong hiện tượng đó của vàng.

Về mối tương quan của các tài sản, các nhà phân tích không so sánh trực tiếp vàng với Bitcoin (mối tương quan này đã chuyển hướng sang tiêu cực vào tháng 12). Tuy nhiên, họ lưu ý mối tương quan rất chặt chẽ giữa vàng và các kim loại không quý như đồng, thiếc, kẽm - đã tăng đều đặn kể từ tháng 10. 

Báo cáo của 4 nhà phân tích viết: "Kể từ cuối năm ngoái, Bitcoin đã thể hiện mối tương quan khá chặt chẽ với các kim loại cơ bản vì cả 2 đều có vai trò là nơi 'rủi ro hấp dẫn' trong môi trường lạm phát với những 'câu chuyện' tăng trưởng dài hạn đầy hấp dẫn; và tiền điện tử đặc biệt nhạy cảm với những biến động đột ngột về giá.

Sau một thời gian ngắn làm khuynh đảo thị trường, giá của đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin đã giảm xuống có thời điểm còn dưới 45.000 USD cho một Bitcoin trong ngày 23/2. Việc Bitcoin tăng giá phi mã rồi giảm đột ngột sau các phát ngôn của tỉ phú Mỹ Elon Musk cho thấy tính chất biến động khó lường của loại tiền kỹ thuật số này.

Goldman Sachs: Vàng và Bitcoin - không ai ăn thịt được ai - Ảnh 1.

Biến động cực mạnh của Bitcoin trong 2 tuần qua

Các nhà đầu tư truyền thống đang bị thu hút bởi sự tăng trưởng của tiền kỹ thuật số vì cơ hội sinh lời. Giới đầu cơ Bitcoin cho rằng đồng tiền này là phương tiện giúp lưu giữ giá trị như vàng và giúp phòng ngừa rủi ro trong trường hợp xảy ra lạm phát. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo về bong bóng đầu cơ như trường hợp năm 2017, khi đột ngột có nhiều người muốn đầu tư "lướt sóng" tiền kỹ thuật số.

Cuối tháng 1, Bitcoin tăng giá hơn 20% lên 38.500 USD/coin sau khi tỉ phú Elon Musk thay đổi tiểu sử cá nhân trên trang Twitter của ông bằng từ khóa #bitcoin, làm dấy lên đồn đoán về việc ông đã đầu tư vào loại tiền ảo này.  Sau đó, giá Bitcoin liên tục tăng và tổng giá trị thị trường vượt mốc 1.000 tỉ USD lần đầu tiên từ khi đồng tiền kỹ thuật số này được tạo ra vào năm 2009, theo chuyên trang Coinmarketcap.

Tuy nhiên, ông Musk ngày 20/2 bất ngờ viết trên Twitter rằng giá của Bitcoin và đồng tiền đối thủ là Ethereum "có vẻ hơi cao". Dù Bitcoin vẫn tiếp tục chạm đỉnh với mức hơn 58.000 USD/coin, nhưng sau đó bắt đầu hạ nhiệt sau những bình luận tiêu cực từ giới đại gia. Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, tỉ phú Bill Gates cảnh báo các nhà đầu tư nên cẩn thận trong việc làm theo ông Musk vì họ không có nhiều tiền như người sáng lập Tesla. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 22/2 cảnh báo Bitcoin là tài sản mang tính chất đầu cơ cao và bày tỏ lo ngại về khả năng các nhà đầu tư bị mất tiền.

Tham khảo: Coindesk, Finder

Thu Ngân
Ý kiến của bạn
9 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD 9 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 46 tỷ USD

Trong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm thủy sản vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...