Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp

Diễn đàn
01:32 PM 07/03/2023

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, bắt đầu từ ngày 03/01/2023 đến hết ngày 15/3/2023, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về các vấn đề như: Bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp - Ảnh 1.

Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai.

Hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi báo cáo xin chủ trương của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT), Hội Khoa học Kinh tế NN và PTNT vừa phối hợp với một số cơ quan thuộc Bộ (Trường Đại học Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ Pháp chế, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp) tổ chức "Hội thảo dự thảo Luật Đất đai 2023 (sửa đổi) trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp".

Đây là Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của nhà khoa học, quản lý, các doanh nghiệp,… trong việc đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; đồng thời, tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp - Ảnh 2.

Toàn cảnh "Hội thảo dự thảo Luật Đất đai 2023 (sửa đổi) trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Hà Công Tuấn - Chủ tịch Hội Hội Khoa học Kinh tế NN và PTNT - cho biết: Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 của Chính phủ cho thấy, sau gần 08 năm thi hành Luật, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều tồn tại, hạn chế như: quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, thực hiện chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu;…

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp - Ảnh 3.

TS. Hà Công Tuấn - Chủ tịch Hội Hội Khoa học Kinh tế NN và PTNT - phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ngoài ra, các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đất đai chưa được hoàn thiện; xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, dẫn đến mất đất, giảm độ màu mỡ, thoái hóa đất, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và đời sống của người dân; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai diễn biến phức tạp, nhưng việc xử lý còn hạn chế.

"Đó là lý do để Hội Khoa học Kinh tế NN và PTNT phối hợp với một số cơ quan thuộc Bộ tổ chức "Hội thảo dự thảo Luật Đất đai 2023 (sửa đổi) trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp". Đề nghị các đại biểu quan tâm cho nhiều ý kiến vào các nội dung mà Chính phủ xin ý kiến có liên quan trực tiếp đến quản lý sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp", TS. Hà Công Tuấn chia sẻ.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ NN và PTNT cho biết: Bộ NN và PTNT là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi,... với diện tích đất nông nghiệp 27,90 triệu ha, chiếm 84.46% diện tích đất tự nhiên cả nước, do đó đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nhất là việc điều tra, đánh giá về đất đai; xây dựng kế hoạch, định hướng sử dụng hiệu quả, bền vững phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ NN và PTNT phát biểu tại Hội thảo.

Hiện nay, tại Điều 58 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai; bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai (điểm a, điểm b khoản 2 Điều 58); chủ trì, phối hợp với Bộ NN và PTNT trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa nặng liên vùng, liên tỉnh (điểm d khoản 2 Điều 58). Như vậy, Bộ NN và PTNT mới chỉ phối hợp xây dựng kế hoạch và thực hiện bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đối với các khu vực đất thoái hóa nặng liên vùng, liên tỉnh, trong khi để đảm bảo việc sử dụng đất nông nghiệp được hiệu quả, tiết kiệm phải quy định rõ trách nhiệm của Bộ NN và PTNT trong điều tra, đánh giá về đất nông nghiệp (gồm điều tra đánh giá, quan trắc, giám sát, bảo vệ cải tạo, nâng cao chất lượng, phục hồi đất nông nghiệp). Đồng thời, cần phân loại đất điều tra theo mục đích sử dụng như phân loại đất nông nghiệp tại Điều 10, phân thành nhóm đất: Nông nghiệp, phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng để có phương pháp điều tra đánh giá phù hợp, hiệu quả.

Về vấn đề cho phép được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất trồng lúa (Điều 172 và Điều 176), bà Nguyễn Thị Mai Hiên đề nghị quy định làm rõ nội dung này tại hai Điều trên ở hai điểm sau:

Thứ nhất, diện tích sản xuất nông nghiệp bao nhiêu ha thì cần thiết phải được xây dựng công trình, với tỷ lệ diện tích bao nhiêu? Đặc biệt đối với đất trồng lúa việc quy định quy mô, tỷ lệ được xây dựng công trình cần có tính toán phù hợp, đảm bảo tiêu chí tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW đã nêu ở trên.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện việc xây dựng công trình này, nếu như quy định tại dự thảo là "theo quy hoạch" là chưa phù hợp vì việc quy hoạch là đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, do đó khi cho phép xây dựng công trình thì phần nào đó không còn là theo quy hoạch. Do đó, cần quy định tiêu chí rõ ràng, hạn chế việc xin-cho? Quy định rõ cơ quan chuyên môn nào cho phép, chịu trách nhiệm việc xây dựng công trình này để không ảnh hưởng đến chất lượng đất, khu vực đất đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp - Ảnh 5.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo.

Đại diện Bộ NN và PTNT cũng đề nghị làm rõ các vấn đề về điều kiện, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp (Điều 30, 37 và Điều 49) quy định điều kiện, đối tượng được chuyển nhượng đất nông nghiệp. Dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Theo đó, cần làm rõ đất nông nghiệp ở đây là bao gồm các loại đất gì, có bao gồm đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng không? Đối với phần nội dung quy định tại Điều 12, đề nghị xem xét bổ sung thêm các trường hợp cấm đối với "đất trồng lúa", đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW .

Tại khoản 4 Điều 49 quy định tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận: cần có hướng dẫn cụ thể nội dung này để đảm bảo kiểm soát đất nông nghiệp được sử dụng đúng mục đích là đất nông nghiệp. Quy định tại khoản này chưa rõ hạn mức được nhận và chế độ sử dụng đất nông nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng, việc nhận chuyển nhượng này sẽ liên quan tới việc tích tụ đất nông nghiệp tại Điều 186 khi nhà nước chỉ khuyến khích "tích tụ đất đai với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp".

Để góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp, Bộ NN và PTNT đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách về đất đai để khuyến khích các tổ chức KHCN công lập ngành nông nghiệp thực hiện hợp tác công tư trong nghiên cứu, phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, cụ thể như sau:

Bổ sung tại Điều 173 Luật Đất đai năm 2013 một số quy định sau: Các tổ chức KHCN hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, có quyền liên doanh, liên kết và trả tiền thuê đất. Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế, chính sách về đất đai để khuyến khích các tổ chức KHCN công lập ngành nông nghiệp thực hiện hợp tác công tư trong nghiên cứu, phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp - Ảnh 6.

Các đại biểu nhận định, Luật Đất đai sửa đổi nếu được thông qua sẽ tác động tới 7 Luật chuyên ngành của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, trí thức, đại diện Hội Khoa học Kinh tế NN và PTNT, Trường Đại học Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ Pháp chế, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp đã tập trung đóng góp ý kiến vào các vấn đề liên quan trực tiếp đến quản lý sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp. Ngoài ra, cũng đã góp ý sâu sắc về các vấn đề trọng tâm như: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong sử dụng đất; điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất; giá đất…

Thông qua buổi Hội thảo, các đại biểu đồng nhất quan điểm khẳng định, Luật Đất đai (sửa đổi) có vai trò quan trọng và phức tạp, bao quát tất cả các lĩnh vực của đời sống, nếu giải quyết tốt, đúng chính sách, pháp luật về đất đai sẽ tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực để phát triển, bảo đảm an ninh chính trị, xã hội và quyền lợi chính đáng của người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn