Góp ý kiến dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị, đơn vị tư vấn để cho ý kiến dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong việc lập Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững. Là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ. Có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh phát triển toàn diện, thu nhập cao, văn minh, hiện đại của cả nước; là động lực phát triển chính của khu vực Bắc Trung Bộ; văn hóa, con người Nghệ An phát triển ở mức cao, quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc.
Thống nhất đưa ra các định hướng phát triển trọng tâm gồm: 02 khu vực động lực tăng trưởng, 03 đột phá chiến lược, 04 hành lang kinh tế, 05 lĩnh vực trụ cột phát triển, 06 trung tâm đô thị. Trong đó, hai khu vực động lực tăng trưởng kinh tế là thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Nghệ An (mở rộng). Ba đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Nghệ An.
Bốn hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông (gắn với trục Quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển) phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; hành lang kinh tế Quốc lộ 7 phát triển lâm nghiệp và du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A phát triển lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khai thác và chế biến khoáng sản.
Năm lĩnh vực trụ cột phát triển: Phát triển công nghiệp, trọng điểm là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, y tế chất lượng cao; phát triển du lịch dựa trên 3 trọng tâm: du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao biển; du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với cộng đồng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Sáu trung tâm đô thị: Thành phố Vinh mở rộng là trọng tâm; Thành phố Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu); Thành phố Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn); Thị xã Diễn Châu; Thị xã Đô Lương; Đô thị Con Cuông.
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung phân tích, thảo luận, góp ý vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Chủ tịch UBND thành phố Vinh Trần Ngọc Tú, để thành phố phát triển đồng bộ thì cần phải mở rộng đô thị thành phố theo lộ trình từng giai đoạn để phù hợp với quy định của Nhà nước đối với đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc Tỉnh.
Đồng thời để phát triển Thành phố thành trung tâm kinh tế, văn hóa và dịch vụ của Vùng Bắc Trung Bộ; phát triển đô thị gắn với công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao thì phải có chiến lược đầu tư gắn kết để tạo động lực phát triển thành phố.
Tiếp tục hoàn hiện dự thảo quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị tư vấn tập trung vào một số nội dung để hoàn thiện quy hoạch theo kế hoạch đề ra. Đó là bám sát Quyết định số 1179/QĐ-TTg ngày 4/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản liên quan để thực hiện.
Các nội dung quy hoạch cần phải được rà soát kỹ, có trọng tâm, trọng điểm, súc tích, ngắn gọn, chỉ đưa vào những nội dung chính, những nội dung thực sự ưu tiên để thực hiện; tiếp tục rà soát, xem xét, xử lý những vấn đề mang tính chất liên ngành, liên huyện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch, đặc biệt trong quy hoạch phải đảm bảo gắn kết quy hoạch của tỉnh, của vùng và của quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến phát biểu của các địa phương, các ngành và rà soát hoàn thiện hồ sơ để báo cáo UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời tham mưu tổ chức hội nghị lấy ý kiến của chuyên gia, của Mặt trận Tổ quốc và của cộng đồng để đến tháng 7 này hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, vừa là tiền đề, vừa là động lực để phát triển tỉnh trong mười năm tới và tầm nhìn đến 2050. Đây là nội dung hết sức quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành, các địa phương, vì vậy, các ngành, địa phương cần phải tập trung, quan tâm phối hợp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo quy hoạch một cách tốt nhất.
Ngọc TúVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.