GRDP của TP Hà Nội năm 2023 tăng 6,27%
Chiều 28/12, Cục Thống kê TP Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo thông báo tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2023.
Tại buổi họp báo, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2023 tăng 6,27% so với năm trước (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,91%; quý III tăng 6,22%; quý IV tăng 7%).
Theo ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng khá, với xu hướng cải thiện qua từng quý.
Khu vực dịch vụ năm nay tăng 7,26% so với năm trước (quý I tăng 7,66%; quý II tăng 6,51%; quý III tăng 6,92%; quý IV tăng 7,85%), đóng góp 4,69% vào mức tăng GRDP. Trong đó, một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế: Hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 16,33%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 15,39%; bán buôn, bán lẻ tăng 10,48%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,77%; vận tải, kho bãi tăng 7,7%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2023 tăng 5,29% so với năm trước (quý I tăng 2,39%; quý II tăng 5,75%; quý III tăng 5,32%; quý IV tăng 6,64%), đóng góp 1,18% vào mức tăng GRDP. Hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm của thương mại toàn cầu, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực giảm sút, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao gây áp lực lên sản xuất. Tính chung cả năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3% so với năm 2022, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6%; chỉ số tiêu thụ tăng 3,3%.
Đáng lo ngại, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 gặp nhiều bất lợi vì hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn và truyền thống của Hà Nội giảm sút. Từ quý IV, tình hình cải thiện hơn nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm 2023 đạt 54,4 tỷ USD, giảm 6,4% so với năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 16,7 tỷ USD, giảm 2,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 37,7 tỷ USD, giảm 8,1%.
Ngay từ đầu năm, thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm. Tính chung cả năm 2023, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 9,3% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 11,5%.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2023, thành phố thu hút 2.943 triệu USD, trong đó, đăng ký cấp mới 408 dự án với số vốn đạt 441 triệu USD; 175 dự án bổ sung tăng vốn với 307 triệu USD; 326 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, đạt 2.195 triệu USD.
Kết quả thu hút đầu tư từ khu vực dân doanh cũng khá tốt. Năm 2023, trên địa bàn Hà Nội có 31,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,3% so với năm trước; vốn đăng ký đạt 346,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5%; hơn 8,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 8%; 21,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 33%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 2%.
Năm 2024, Cục Thống kê Thành phố nhận định, bối cảnh kinh tế thế giới còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức… ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu. Tình hình bất động sản, trái phiếu… còn ảm đạm. Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng của Thành phố là 6,5%-7% cho năm 2024 là phù hợp.
Để khắc phục những khó khăn của năm 2023, thời gian tới, theo cơ quan thống kê, Thành phố phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng xanh, tập trung những ngành nghề tạo giá trị gia tăng cao. "Điều này sẽ giúp tăng thêm năng lực sản xuất mới và tác động tới đầu tư trong thời gian tới"- Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, yêu cầu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm được Thành phố quyết liệt chỉ đạo; Tận dụng mọi cơ hội thị trường, thu hút FDI chất lượng, phát huy hết những lợi thế của FDI mang lại.
Nam Dương (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.