GRDP Hà Nội ước tăng 6%, kinh tế phục hồi rõ nét

Đầu tư và Tiếp thị
04:41 PM 26/06/2024

Triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu của năm 2024, kết quả của 6 tháng đầu năm 2024 được Hà Nội đánh giá tích cực. Nhiều ngành và lĩnh vực của thành phố Hà Nội trong nửa đầu năm 2024 đã có tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 do UBND TP. Hà Nội tổ chức, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%), trong đó dịch vụ tăng 6,55% (cùng kỳ tăng 7,54%); Công nghiệp và xây dựng tăng 5,37% (cùng kỳ tăng 3,28%); Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,94% (cùng kỳ tăng 2,24%); Thuế sản phẩm tăng 4,38% (cùng kỳ tăng 2,41%).

GRDP Hà Nội ước tăng 6%, kinh tế phục hồi rõ nét- Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp báo.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ; đảm bảo cân đối chi ngân sách. Cụ thể, tổng thu NSNN trên địa bàn lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 252.054 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó các khoản thu từ xuất nhập khẩu, từ dầu thô và thu nội địa đều tăng so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 47.973 tỷ đồng, đạt 34,0% dự toán, tăng 24,2% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển 22.871 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán, tăng 43,6%.

Lĩnh vực xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8.891 triệu USD, tăng 11,0% (cùng kỳ giảm 2,7%), trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,1%.

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 19.668 triệu USD, tăng 14,9% (cùng kỳ giảm 16,3%), trong đó: khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,3%.

Còn chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 5,32% (cùng kỳ tăng 1,22%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, chỉ có nhóm hàng giảm giá là bưu chính viễn thông.

Trong 6 tháng cuối năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng còn nhiều khó khăn. Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh”, Sở nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, bảo đảm ổn định và tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.

Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội: Triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua; Kế hoạch thực hiện 02 quy hoạch sau khi được phê duyệt; Hoàn thiện cơ chế, chính sách khai thác nguồn lực từ đất đai.

Thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường....

Minh An
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu nông sản phấn đấu đạt 65 tỷ USD trong năm 2025 Xuất khẩu nông sản phấn đấu đạt 65 tỷ USD trong năm 2025

Trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 64-65 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%.