GRDP tỉnh Vĩnh Long 6 tháng đầu năm đạt 18.934 tỷ đồng

Địa phương
11:18 AM 07/08/2023

Ngày 7/8, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp báo và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ quý II năm 2023.

Báo cáo tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 của tỉnh Vĩnh Long, bà Phạm Thị Nở - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 18.934 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ. 

Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch theo hướng: Tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) là 37,14%; ngành công nghiệp và xây dựng (khu vực II) là 17,17%; các ngành dịch vụ (khu vực III) là 45,69%. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ trọng khu vực I tăng 1,44 điểm phần trăm; khu vực II giảm 2,56 điểm phần trăm; khu vực III tăng 1,12 điểm phần trăm.

Quang cảnh buổi họp báo định kỳ quý II năm 2023.

Quang cảnh buổi họp báo định kỳ quý II năm 2023.

Sản xuất nông nghiệp phát triển khá ổn định. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng 1,96% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 33.769,7 tỷ đồng, tăng 12,81% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách đến tham quan du lịch theo tour đạt 40,3 nghìn lượt, tăng 115,67% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 409,8 triệu USD, đạt 56,64% kế hoạch, giảm 9,41% so với cùng kỳ. Tổng giá trị nhập khẩu đạt 196,8 triệu USD, giảm 3,57% so cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách nhà nước đạt tiến độ dự toán; tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 3.698 tỷ đồng, đạt 64,11% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 63,27% dự toán. Tổng chi ngân sách thực hiện 4.721,3 tỷ đồng, đạt 41,56% dự toán. Hoạt động ngân hàng duy trì ổn định. Tổng dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 7 tăng 3% so với cùng kỳ. Số dư nợ xấu chiếm 3,01%/tổng dư nợ, cao hơn 1,49 điểm % so với đầu năm.

Bà Phạm Thị Nở - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023.

Bà Phạm Thị Nở - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023.

Kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh Vĩnh Long được giao năm 2023 là 5.135,51 tỷ đồng, đến ngày 15/7, đã giải ngân được 1.291,505 tỷ đồng. Trong thu hút đầu tư, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.089 tỷ đồng và 13,5 triệu USD và 2 dự án đầu tư mở rộng với số vốn đăng ký tăng thêm 133,9 tỷ đồng; Phát triển mới 216 doanh nghiệp, thành lập mới 8 hợp tác xã. 

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long có nhiều giải pháp phục hồi kinh tế như: thành lập 2 Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; thực hiện hỗ trợ lãi suất, miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, kết nối thị trường lao động; triển khai Đề án cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh...

Ngoài ra, tỉnh cũng huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nông thôn mới được tập trung. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 7.927,65 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm, tỉnh có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 03 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm lo người có công luôn được quan tâm thực hiện; an sinh xã hội được đảm bảo. Giải quyết việc làm mới cho 17.246 lao động; trong đó, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 1.083 lao động. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Đến 30/7/2023, tổng số người có thẻ BHYT còn giá trị sử dụng đạt 92,4% dân số.

Cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai đồng bộ các đề án, kế hoạch của ngành theo lộ trình thực hiện nhiệm vụ chương trình năm học và chuẩn bị thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chủ động chuẩn bị điều kiện phục vụ năm học mới 2023 - 2024: hoàn thành chọn sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Vĩnh Long năm học 2023 - 2024; tổ chức Hội thảo và dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, 8, 11. 

GRDP tỉnh Vĩnh Long trong 6 tháng đầu năm ước đạt 18.934 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

GRDP tỉnh Vĩnh Long trong 6 tháng đầu năm ước đạt 18.934 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Các hoạt động văn hoá - nghệ thuật tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị được tổ chức với các hình thức phù hợp đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đặc biệt là tổ chức thành công các hoạt động mừng Xuân Quý Mão năm 2023 và kỷ niệm 111 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng...

Các hoạt động về khoa học và công nghệ được tích cực triển khai. Tập trung triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất và chất lượng sản phẩm, hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp trong lĩnh vực năng suất chất lượng, hoạt động sở hữu trí tuệ, xây dựng nông thôn mới…. 

Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, "điểm nóng" phức tạp. Bảo vệ an toàn các hoạt động kỷ niệm ngày lễ, Tết và sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.