GS.TSKH Nguyễn Mại: 'Doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh trước khi RCEP chính thức có hiệu lực'
Cơ hội mà RCEP mang lại cũng sẽ đi kèm với những thách thức lớn về sức ép cạnh tranh. Để có thể tận dụng tốt những gì mà hiệp định này mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần phải sớm cải thiện năng lực cạnh tranh trước khi RCEP chính thức có hiệu lực, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết.
Ngày 15/11, Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - và 5 đối tác FTA là Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, RCEP không phải là một hiệp định mới đối với Việt Nam. Về cơ bản, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều là những đối tác lâu năm và có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam. Trong khi đó, Úc và New Zealand cũng đã đồng hành với Việt Nam trong Hiệp định CPTPP.
"Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng Hiệp định RCEP sẽ giúp Việt Nam mở rộng hơn không gian về đầu tư và thương mại trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19 trên toàn cầu", GS.TSKH Nguyễn Mại nói.
Hiệp định RCEP khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Chủ tịch VAFIE cũng nhấn mạnh việc ký kết RCEP sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam nhằm thúc đẩy nhanh hơn về hội nhập kinh tế thế giới, qua đó đẩy mạnh cũng như sớm hoàn thiện thể chế và nền hành chính quốc gia.
Việc chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế Việt Nam cao hơn so với các lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước.
Đặc biệt, với các khung khổ hợp tác mới được đưa ra trong Hiệp định RCEP cùng với các FTA trước đây, Việt Nam đang và sẽ trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.
Mặc dù vậy, cơ hội mà RCEP mang lại cũng sẽ song hành với những khó khăn và thách thức. GS.TSKH Nguyễn Mại chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chiếm tới hơn 95%. Trong đó, quy mô của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn khá hạn chế.
So với Hàn Quốc, quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam chỉ bằng 1/4. Các tập đoàn lớn của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhưng chưa có một tập đoàn nào đạt top 500 tập đoàn lớn xuyên quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản lại có rất nhiều tập đoàn góp mặt trong bảng xếp hạng này.
Trong khu vực RCEP, nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự và năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam, trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Do đó, khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng.
"Cơ hội mà RCEP mang lại cũng sẽ đi kèm với những thách thức lớn về sức ép cạnh tranh. Để có thể tận dụng tốt những gì mà hiệp định này mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần phải sớm cải thiện năng lực cạnh tranh trước khi RCEP chính thức có hiệu lực", GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết.
Ngoài ra, GS Nguyễn Mại cũng lưu ý rằng, các doanh nghiệp Việt cần sớm cải thiện năng lực về công nghệ cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng chính là những yếu tố mà Việt Nam đang cố gắng phát triển trong thời gian vừa qua.
"Khoảng thời gian chờ RCEP có hiệu lực là vô cùng cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng cũng như có thêm thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về thị trường của các đối tác, qua đó khắc phục các nhược điểm và sớm tận dụng được các cơ hội mà hiệp định này mang lại", Chủ tịch VAFIE nói.
Khi so sánh RCEP với CPTPP, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, điều khác biết lớn nhất chính là việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp Việt Nam có thêm nhiều đối tác FTA mới như Canada, Mexico, Peru… Do vậy, có thể khẳng định rằng thị trường của Việt Nam sẽ mở rộng nhiều hơn so với không gian thương mại mà hiệp định RCEP mang lại.
Thanh TrầnTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.