Gương sáng khởi nghiệp nhờ mô hình sản xuất đá mỹ nghệ

Địa phương
07:23 AM 16/07/2024

Với sự kiên trì, nỗ lực vươn lên, vợ chồng anh Nguyễn Tòng Nam và chị Đỗ Thị Thuỷ ở Ninh Bình đã có thu nhập cao, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương nhờ khởi nghiệp bằng cách sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ. Anh Nam và chị Thuỷ là tấm gương sản xuất kinh doanh điển hình năng động, dám nghĩ, dám làm, được nhiều người biết đến và nể phục.

Trước khi có được thành công như ngày hôm nay, anh Nguyễn Tòng Nam (sinh năm 1981) và chị Đỗ Thị Thủy (sinh năm 1985) ở xóm 7, xã Gia Sinh, Ninh Bình cũng từng lăn lộn, kiếm từng đồng để đảm bảo thu nhập cho gia đình. 

Sau khi lập gia đình, anh Nam đã làm việc tại 1 xưởng đá mỹ nghệ tại Ninh Vân, huyện hoa Lư, còn chị Thuỷ phải làm nhiều công việc để nâng cao thu nhập.

Cũng nhờ anh Nam có nhiều năm kinh nghiệm trong làm nghề và biết nắm bắt cơ hội phát triển mô hình kinh tế đá mỹ nghệ, anh chị đã có hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.

Anh Nguyễn Tòng Nam chia sẻ: "Với mong muốn đưa mô hình kinh tế mới về địa phương để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, tạo công ăn việc làm và có thu nhập ổn định cho nhân công lao động tại địa phương; đồng thời gìn giữ và phát triển nghành nghề đá mỹ nghệ truyền thống của Ninh Bình, nên anh quyết định lập nghiệp tại quê hương".

Năm 2019, từ số vốn tích luỹ bao năm khó nhọc, vất vả, anh Nam bàn bạc với chị Thủy mạnh dạn vay vốn thêm từ ngân hàng để đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ.

Gương sáng khởi nghiệp nhờ mô hình sản xuất đá mỹ nghệ- Ảnh 1.

Các lãnh đạo Ban Dân vận Huyện uỷ, huyện đoàn, lãnh đạo xã về thăm mô hình sản xuất đã mỹ nghệ của anh Nguyễn Tòng Nam (thứ hai từ trái sang)

Với sự hỗ trợ của các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể về thủ tục, hồ sơ thành lập, sự chia sẻ động viên tinh thần ủng hộ của người thân, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh sớm được thành lập và đi vào hoạt động.

Ban đầu, cơ sở sản xuất nhỏ có 4 lao động, máy móc thô sơ, chủ yếu làm thủ công. Những ngày mới thành lập, xưởng đá của anh chị gặp không ít khó khăn do tay nghề còn hạn chế, mẫu mã chưa đẹp, khó cạnh tranh với các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu, anh chị đã học hỏi kinh nghiệm tại các cơ sở sản xuất, của những doanh nhân đi trước, qua sách báo, tìm kiếm thị trường, áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, quản lý, làm tốt công tác marketing giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất sản phẩm phù hợp...

Gương sáng khởi nghiệp nhờ mô hình sản xuất đá mỹ nghệ- Ảnh 2.

Anh Nam và khách hàng tại công trình thi công

Trải qua bao khó khăn, đến nay, gia đình anh chị có 2 xưởng sản xuất với 24 lao động, mở thêm 3 đại lý tại một số tỉnh ở miền Bắc để phân phối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm với khoảng 200 mẫu mã, chủng loại. Mỗi năm nhận hoàn thiện khoảng 500 công trình tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng… Công trình lắp ghép đá mỹ nghệ có ý nghĩa nhất là công trình tại nghĩa trang các anh hùng liệt sỹ Trường Sơn tại tỉnh Quảng Trị.

Gương sáng khởi nghiệp nhờ mô hình sản xuất đá mỹ nghệ- Ảnh 3.

Công nhân đang hoàn thiện công trình đá mỹ nghệ

Từ sự nhạy bén trong việc tiếp cận thị trường đến đa dạng hóa các sản phẩm, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh Nam, chị Thuỷ ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong cả nước. Doanh thu ngày càng tăng, cho doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm, đã trừ chi phí cho lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm.

Gương sáng khởi nghiệp nhờ mô hình sản xuất đá mỹ nghệ- Ảnh 4.

Công trình thi công của xưởng đá

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh chị còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 24 lao động, với mức lương trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ là một gương điển hình về làm kinh tế giỏi, anh Nam cũng luôn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Bản thân anh và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương. Anh luôn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, đặc biệt luôn tiên phong đi đầu trong thực hiện phong trào xây dựng NTM, cống hiến sức mình cho quê hương, tạo việc làm cho thanh niên, lao động địa phương.

Gương sáng khởi nghiệp nhờ mô hình sản xuất đá mỹ nghệ- Ảnh 5.

Sản phẩm mặt bàn đá được làm từ đá mỹ nghệ từ xưởng

Với tinh thần, nghị lực cố gắng không ngừng nghỉ, thời gian tới, gia đình anh Nam, chị Thuỷ có kế hoạch tuyển thêm nhân công, tự đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ, mở thêm 5 đại lý ở các tỉnh miền Trung để tìm kiếm đầu ra sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao doanh thu lên khoảng 15 tỷ đồng/năm.

Ghi nhận những thành tích nổi bật đạt được, gia đình anh Nguyễn Tòng Nam đã nhiều lần được tỉnh, huyện, xã biểu dương, khen thưởng về mô hình sản xuất kinh doanh giỏi.

Châu Nguyên - Kim Thoả
Ý kiến của bạn
Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.