Hà Giang đặt mục tiêu phát triển theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện

Địa phương
02:24 PM 20/02/2024

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu, tăng trưởng GRDP của địa phương giai đoạn 2021-2030 đạt 8%/năm.

Ngày 18/2, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị công bố quyết định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái. 

Hà Giang đặt mục tiêu phát triển theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện- Ảnh 1.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, an toàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Tầm nhìn đến năm 2050: Phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hà Giang phấn đầu có nền kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái.

Cụ thể, với mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh đạt khoảng 8%/năm. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 22 - 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29,0%; dịch vụ chiếm khoảng 43 - 44%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4 - 5%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7%/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.

Hà Giang đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Hà Giang cũng đặt mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hàng năm bình quân đạt 4%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt trên 20%.

Để thực hiện được mục tiêu trên, quy hoạch tỉnh Hà Giang nêu rõ, các nhiệm vụ đột phá được tỉnh thực hiện là, ưu tiên nguồn lực để xây dựng, hoàn chỉnh tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang với quy mô 4 làn xe; đầu tư tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với quy mô 4 làn xe.

Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 4 hành lang kinh tế và 3 vùng phát triển kinh tế - xã hội. 4 hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang theo tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang, Quốc lộ 2 (gắn với hành lang liên kết Hà Giang - Tuyên Quang - Hà Nội) và Đường tỉnh 184: Phát triển kinh tế đô thị (cấp tỉnh) - thương mại, dịch vụ - cửa khẩu quốc tế - du lịch.

Hành lang theo tuyến Đường tỉnh 178 - Quốc lộ 4 - Quốc lộ 4C - Đường tỉnh 180: Phát triển kinh tế cửa khẩu - du lịch - đô thị (cấp huyện).

Hành lang theo Quốc lộ 279: Phát triển kinh tế đô thị - dịch vụ - công nghiệp.

Hành lang theo Quốc lộ 280 - Quốc lộ 2C - Đường tỉnh 184, kết nối các đô thị (trung tâm vùng huyện): Phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ.

Hà Giang đặt mục tiêu phát triển theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện- Ảnh 2.

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu, tăng trưởng GRDP của địa phương giai đoạn 2021-2030 đạt 8%/năm.

Ngoài 4 hành lang kinh tế, Hà Giang quy hoạch 3 vùng phát triển kinh tế - xã hội gồm: Vùng núi thấp gồm thành phố Hà Giang và các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và Bắc Mê; Vùng Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; Vùng cao núi đất phía Tây gồm 2 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Cùng với đó, Hà Giang tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chú trọng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có lợi thế của tỉnh. Sắp xếp ổn định sản xuất, đời sống dân cư nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng thương mại dịch vụ của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy để thu hút đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Phát triển bền vững chất lượng giáo dục các cấp; phát triển giáo dục nghề nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh, giảm nhẹ tác động của thiên tai. Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu quả, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành. Chú trọng cung cấp các dịch vụ số hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính và thu hút đầu tư.

Các giải pháp thực hiện quy hoạch về huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch được tỉnh quyết liệt thực hiện.

Thanh Thủy
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.