Hà Giang: Khó khăn cân đối vốn xây dựng nông thôn mới
Trong văn bản mới đây gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hà Giang đã kiến nghị: "Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép tối đa nguồn vốn 2 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững), nhưng do nguồn lực huy động để đảm bảo thực hiện được mục tiêu Trung ương giao rất lớn, trong khi đó Hà Giang lại là tỉnh nghèo vùng cao biên giới, cho nên việc phải cân đối thêm vối đối ứng của địa phương để thực hiện Chương trình là rất khó khăn…".
Được biết, ngày 28/02/2023, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2023.
Hà Giang tiếp tục nâng cao chất lượng NTM
Theo Kế hoạch 76 nêu trên, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch năm 2023 là tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 48 xã đã đạt chuẩn, trong đó thực hiện 1 xã NTM nâng cao (xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang); nâng 136 tiêu chí NTM; nâng 556 tiêu chí thôn NTM; giảm hộ nghèo và tăng thu nhập ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh.
Tổng nhu cầu nguồn vốn để thực hiện kế hoạch năm 2023 khoảng 1.147 tỷ đồng. Dự kiến cơ cấu nguồn vốn như sau: Vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM 127,61 tỷ đồng, chiếm 11,1%; lồng ghép vốn 2 chương trình MTQG còn lại dự kiến khoảng 615,75 tỷ đồng, chiếm 53,7%; ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) 289,83 tỷ đồng, chiếm 25,3%; vốn các chương trình, dự án khác, xã hội hoá là 114,23 tỷ đồng, chiếm 10%.
UBND tỉnh Hà Giang đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành. Đáng kể như, tỉnh giao Văn phòng điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan, BCĐ/UBND các huyện, thành phố trong việc giám sát, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch. Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các xã trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, để phối hợp với các sở, ngành liên quan, tham mưu đề xuất cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn đảm bảo hoàn thành mục tiêu, tiến độ kế hoạch đề ra.
Tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan thường trực Chương trình MTQG và các cơ quan đơn vị liên quan tham mưu việc lồng ghép nguồn vốn của 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh - Xã hội; Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương chủ động lồng ghép và bố trí vốn của Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, để thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2023...
Cái khó cân đối vốn phát sinh
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều xã đặc biệt khó khăn…Do vậy nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn tới còn rất lớn. Để khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng NTM thành công, tỉnh Hà Giang đã và đang huy động mọi nguồn lực, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Tuy nhiên, khó khăn phát sinh từ "điểm b, khoản 1 Mục V Chương trình kèm theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa cho một công trình, dự án không quá 70% đối với các huyện miền núi".
Cụ thể hơn, trong văn bản mới đây gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hà Giang đã kiến nghị: Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép tối đa nguồn vốn 2 chương trình mục tiêu quốc gia, đó là Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững… Thế nhưng, nguồn lực huy động để đảm bảo thực hiện được mục tiêu Trung ương giao rất lớn. Từ đó việc phải cân đối thêm vối đối ứng của địa phương để thực hiện là rất khó khăn.
Theo phản hồi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quy định tại điểm b, khoản 1 Mục V Chương trình kèm theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình): "Hỗ trợ các huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới:...Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa cho một công trình, dự án không quá 70% đối với các huyện miền núi, không quá 50% đối với các huyện còn lại. Căn cứ kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều kiện thực tế của các địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho từng nội dung, công việc cụ thể."
Để hỗ trợ các địa phương phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình, trong đó, quy định tiêu chí, hệ số phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2022-2025 cho các tỉnh theo đối tượng huyện (Khoản 2 Điều 5):
"a) Căn cứ mục tiêu phấn đấu của các địa phương, hỗ trợ cho mỗi tỉnh tối đa không quá 02 huyện chưa đạt chuẩn (không bao gồm các huyện nghèo đã được phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ) để tập trung hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới và phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2021- 2025: Hệ số phân bổ cao gấp 4 lần so với các xã dưới 15 tiêu chí theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
b) Đối với các đơn vị cấp huyện còn lại phấn đấu đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn 2021 - 2025, các tỉnh chủ động bố trí vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các xã, vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện theo quy định."
Theo đó, đến hết năm 2022 tỉnh Hà Giang đã có một đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành xây dựng NTM (thành phố Hà Giang). Căn cứ Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, tỉnh Hà Giang được giao mục tiêu phấn đấu đến 2025 có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Như vậy, để hoàn thành mục tiêu được giao thì tỉnh Hà Giang cần phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 2 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Điều đó phù hợp với mục tiêu phấn đấu theo đăng ký của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025 (theo nội dung Công văn số 1115/UBND-KTTH ngày 21/4/2022 của UBND tỉnh Hà Giang).
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Căn cứ tổng vốn ngân sách trung ương được cấp có thẩm quyền thông báo và điều kiện thực tế, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chủ động cân đối, ưu tiên phân bổ vốn ngân sách trung ương (nguồn vốn bố trí trực tiếp thực hiện Chương trình; nguồn vốn lồng ghép từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án khác theo quy định), nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, cũng như thực hiện các giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung hoàn thành các mục tiêu được giao, đảm bảo chất lượng và bền vững.
Lưu Đoàn - Quang HưngGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.