Hà Giang: Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022

Địa phương
11:16 AM 01/12/2022

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Mặc dù có rất nhiều khios khăn và thuận lợi đan xen, nhưng tỉnh Hà Giang cơ bản đã đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Tăng trưởng kinh tế dự báo (ước đạt 7,8%), vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn có nhưng nguy cơ diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống Nhân dân.., giá cả xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng cao, Đặc biệt chính sách zero – Covid của Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu. Nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển KT- XH, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Hà Giang đã chủ động, tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, toàn diện trên các lĩnh vực. Do đó, kết quả phát triển KT - XH tỉnh tiếp tục khởi sắc với nhiều điểm sáng tích cực.

Hà Giang: Khởi sắc với nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022  - Ảnh 1.

Điểm sáng trên cung đường Hà Giang (ảnh minh họa)

Năm 2022, tỉnh Hà Giang tập trung thực hiện 36 chỉ tiêu về phát triển KT - XH theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Kết quả có 29/36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (Tỷ lệ 80,1%); 07/36 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (Tỷ lệ 19,4%). Tổng sản phẩm (GRDP giá so sánh) đạt 16.286 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2021. Tổng sản phẩm (GRDP giá hiện hành) đạt 30.612 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.790 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2021, đạt 102,1% KH.

Hà Giang: Khởi sắc với nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá nhiệm vụ phát triển KT - XH tỉnh Hà Giang năm 2022; nhấn mạnh mục tiêu phát triển năm 2023.

Đề án Cải tạo vườn tạp và phát triển bền vững cây Cam sành được các cấp, ngành và Nhân dân quan tâm thực hiện, dần chứng minh được hiệu quả trong cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả, đến nay đã cải tạo 2.325 vườn, trong đó 1.935 vườn đã cho hiệu quả kinh tế với thu nhập bình quân 18,8 triệu đồng/hộ/năm ( cao gấp 2 đến  3 lần so với trước thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp).

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, tăng trưởng khá; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 16,8% (Vượt KH đề ra).Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 14.088 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2021 (Vượt KH đề ra).

Hà Giang: Khởi sắc với nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022  - Ảnh 3.

Du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch đạt trên 2,2 triệu lượt người, tăng 142,3% so với năm 2021 (Vượt KH đề ra); doanh thu du lịch đóng góp quan trọng vào GDP của tỉnh

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.565 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán TW giao và 91,6% KH tỉnh giao. Tổng dư nợ tín dụng 28.241 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021 (Vượt KH đề ra).

Chương trình hỗ trợ xây nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp, các Tập đoàn, Công ty, cá nhân các nhà hảo tâm, cán bộ CCVC và nhân dân trên khắp cả nước, đặc biệt, sự quan tâm vận động của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tinh thần quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả Chương trình vượt xa sự mong đợi; Tổng kết Chương trình, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 6.700 ngôi nhà. Tổng kinh phí hỗ trợ là  401.294 triệu đồng và 400.000 ngày công.

Chương trình MTQG được triển khai tích cực, đã hoàn thành 12 Nghị quyết, 08 Quyết định và nhiều văn bản triển khai thực hiện thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND tỉnh; Hoàn thành việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp thực hiện 03 Chương trình giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố.

Các dự án thuộc Chương trình phục hồi KT - XH (gồm: Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang và các dự án đầu tư nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở) đang được triển khai tích cực. Các nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh được tập trung triển khai và hoàn thiện đảm bảo tiến độ đề ra.

Công tác chuyển đổi số được triển khai tích cực đồng bộ trên cả 03 phương diện: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Các xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số; 2.071 Tổ công nghệ số cộng đồng với 12.131 hội viên tham gia. Triển khai thực hiện Đề án 06, trong đó đã thành lập 2.276 Tổ công tác với 12.329 thành viên tham gia; Tổ chức thu nhận , xử lý 84.306 hồ sơ CCCD; 106.216 hồ sơ định danh điện tử; có 04 doanh nghiệp chuyển đổi số mô hình quản trị.

Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng; dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95,25.

Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 73,5%, vượt KH; tỷ lệ làng văn hóa đạt 64,5%, đạt KH.Giải quyết việc làm cho 34.248 lao động, đạt 199,1% kế hoạch (tăng 101% so với năm 2021).

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp được quan tâm. Các chỉ số về cải cách hành chính tăng đều qua các năm và được nâng lên đáng kể (Năm 2021, PAPI tăng 09 bậc; SIPAS tăng 07 bậc; PAR Index tăng 05 bậc). Chỉ số PCI năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện và tăng 02 bậc so với năm trước.

Chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số doanh nghiệp, xúc tiến du lịch, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tình hình an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, đường biên, mốc giới, chủ quyền được giữ vững.

Có thể khẳng định, kết quả đạt được là thành quả của sự điều hành năng động, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thông chính trị, sựđồng hành,ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời tạo tiền đề vững chắc để Hà Giang lạc quan và kỳ vọng về một bức tranh kinh tế tươi sáng hơn trong chặng đường phát triển sắp tới.

Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, là năm bản lề trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025 và là năm đánh giá giữa Nhiệm kỳ.

Tỉnh Hà Giang đề ra mục tiêu: Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội , thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị bền vững gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp hành hoá đặc trưng. Phát triển mạnh mẽ ngành du lịch; công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao hiệu quả thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh tạo động lực phát triển; thực hiện đồng bộ, hiệu quả chuyển đổi số. Cải thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH đảm bảo an sinh xã hội; Nâng cao chất lượng GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm... 

Hà Giang: Khởi sắc với nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022  - Ảnh 4.

Dự kiến, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang sẽ được khởi công trong quý 1/2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh .(Ảnh nguồn Internet).

Xác định rõ những thuận lợi và cơ hội cho phát triển KT-XH năm 2023 đó là: Các chính sách, đề án, chương trình trọng điểm, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện; dự án Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang được khởi công xây dựng; Chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai; hoạt động du lịch sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hình ảnh thiên nhiên và con người Hà Giang tiếp tục thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế; những kết quả đạt được về phát triển KT - XH, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách trong năm qua tiếp tục là nền tảng vững chắc, yếu tố tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Để đạt được mục tiêu và 35 chỉ tiêu chủ yếu về KT - XH đề ra trong năm 2023. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,0%; tổng sản phẩm bình quân đầu người 38 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 14.800 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng; thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%... Tỉnh Hà Giang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm giai đoạn 2021-2025. Triển khai hiệu quả Chương trình lớn của Tỉnh uỷ: Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ và Đề án phát triển bền vững cây cam sành; chuyển đổi số; xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị,…Ban hành và triển khai các Kế hoạch chuyên đề về phát triển KT - XH ngay từ tháng đầu năm, đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

Tin tưởng rằng, với sự chung sức đồng lòng, nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng và ủng hộ của toàn thể Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Hà Giang nhất định sẽ hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2023, tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm đã đề ra.  

Mộc Trà
Ý kiến của bạn
Sớm xây dựng thị trường tín chỉ carbon Sớm xây dựng thị trường tín chỉ carbon

Việc xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon là cần thiết, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.