Hà Nam: Năm 2024 thu ngân sách ước đạt 17.000 tỷ đồng, tăng hơn 20%
Sáng 30/12, Sở Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính ngân sách năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 trên địa bàn Hà Nam ước đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 20,1% so với năm 2023, đạt 107% dự toán trung ương giao và 105% so dự toán HĐND tỉnh giao.
Trong đó, thu nội địa đạt 15.273,118 tỷ đồng, đạt 105% dự toán địa HĐND tỉnh giao, tăng 21,8% so với năm 2023; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.685 tỷ đồng, đạt 100% dự toán trung ương và HĐND tỉnh giao.
Công tác chi cân đối NSNN năm 2024 cũng cơ bản bảo đảm, với tổng chi ước đạt 16.413,713 tỷ đồng, đạt 98,14% dự toán năm; trong đó, chi đầu tư phát triển 7.555 tỷ đồng; chi thường xuyên 8.485 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách được triển khai hiệu quả; công tác quản lý giá cả thị trường; quản lý doanh nghiệp nhà nước được nâng cao.
Đặc biệt, trong năm 2024, thực hiện sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW, Sở Tài chính Hà Nam đã phối hợp với các đơn vị tham mưu với UBND tỉnh thực hiện tinh giản biên chế, nghỉ hưu trước tuổi và sắp xếp dôi dư cho 503 trường hợp, tương ứng số kinh phí NSNN phải hỗ trợ là 28,9 tỷ đồng.
Công tác thẩm tra quyết toán vốn đầu tư bảo đảm đúng quy định; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được xử lý khắc phục. Hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công được tăng cường; công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh...
Xác định nhiệm vụ thu NSNN năm 2025 là hết sức nặng nề, vì vậy, để hoàn thành mục tiêu thu NSNN trên địa bàn đạt 25.865 tỷ đồng (dự toán HĐND tỉnh giao), tăng 52% so với năm 2024; chi cân đối ngân sách ước tăng 66,1% so với năm 2024... nhiều giải pháp sẽ được ngành tài chính tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt trong năm 2025.
Trọng tâm thực hiện tốt Luật Quản lý thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản phát sinh; nâng cao hiệu quả công tác thu NSNN, quản lý hiệu quả nguồn thu từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; tập trung quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng; đẩy mạnh điện tử hóa trong quản lý thuế, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu; đồng bộ kết nối cơ sở dữ liệu với các cơ quan có liên quan để quản lý tốt các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản; thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành thuế và hải quan. Tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cơ cấu lại chi NSNN; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; nâng cao hiệu quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên.
Nhật MaiTại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” ngày 3/1, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có sức bật mạnh mẽ. Năm 2025, sẽ vượt qua thách thức toàn cầu, triển vọng về một nền kinh tế vững mạnh và bền vững trong tương lai.