Hà Nam: Quảng bá nét đẹp du lịch
Nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, du lịch đặc trưng tiêu biểu của tỉnh Hà Nam đến với khách du lịch trong nước và quốc tế, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp tổ chức cuộc thi “Ảnh đẹp Du lịch Hà Nam”.
Sau khi phát động Cuộc thi " Ảnh đẹp Du lịch Hà Nam", Trung tâm xúc tiến Du lịch Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Câu lạc bộ Ảnh báo chí – NVH Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các chuyến sáng tác ảnh đẹp du lịch trên toàn tỉnh. Những địa danh du lịch, lễ hội, làng nghề đã được các nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh dày công quan sát, tìm kiếm, khai thác những góc chụp, thời điểm bấm máy nhằm tôn vinh những giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa, cuộc sống con người và văn nghệ dân gian riêng có của Hà Nam.
Tại Hà Nam, Khu Du lịch Tam Chúc là một quần thể chùa lớn, nơi đây được ví là chốn bồng lai tiên cảnh. Tọa lạc trong khuôn viên rộng 5000 ha ở thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Khu Du lịch Tam Chúc là điểm kết nối giữa Khu Du lịch Chùa Hương (Hà Nội); Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình); Khu Văn hóa Tâm linh Chùa Bái Đính; Khu Du lịch Sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Hình ảnh Khu Du lịch Tam Chúc đẹp như tranh họa đồ, truyền thuyết hơn một ngàn năm trước, nơi đây là vùng đất Phật linh thiêng với ngôi chùa cổ kính, uy nghiêm và lễ hội Tam Chúc được diễn ra hàng năm vào dịp đầu xuân để người dân cầu nguyện quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Xưa kia, nơi đây có ngôi chùa cổ, tương truyền câu chuyện "Tiền lục nhạc – Hậu thất tinh" huyền bí. Chuyện kể rằng: "Xưa có bảy tiên nữ giáng xuống trần gian, khi đến Tam Chúc các tiên nữ mê mẩn với cảnh đẹp hữu tình chốn này mà quên đường về. Nhà trời đã sáu lần cử người xuống gọi mà các tiên nữ không về, mỗi lần gọi, Nhà trời dùng một quả chuông làm binh khí" nên có quan niệm cho rằng 6 quả chuông đó chính là sáu ngọn núi nằm rải trong hồ nước lớn trước cảnh chùa hay còn gọi là "Tiền lục nhạc". Còn "Hậu thất tinh" được bắt đầu bằng câu chuyện của những dãy núi phía sau Chùa Tam Chúc. Cả bảy ngọn núi này đều xuất hiện những đốm sáng lớn tựa như bảy ngôi sao sáng suốt đêm ngày. Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn, dân làng gọi đó là núi Thất Tinh. Sau đó có người đến núi Thất Tinh đục đẽo hòng lấy đi bảy ngôi sao đó. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho bốn ngôi sao bị mờ dần đi và cuối cùng chỉ còn lại ba ngôi sao. Vì thế, Chùa Thất Tinh từ đó được đổi thành Chùa Ba Sao và địa danh thị trấn Ba Sao, Kim Bảng cũng được lấy tên từ tích ấy".
Kiến trúc Chùa Tam Chúc trong quần thể Khu Du lịch từ Cổng Tam Quan qua Vườn Cột Kinh lên Điện Quán Âm, Điện Pháp Chủ, Điện Tam Thế rồi lên tít đỉnh núi là Chùa Ngọc hay còn gọi là Đàn Tế Trời được thiết kế, xây dựng như chốn bồng lai. Đến với Tam Chúc, du khách hành hương được chiêm ngưỡng nhiều nét kiến trúc độc đáo và trải nghiệm, thụ hưởng môi trường sinh thái tự nhiên.
Ngày nay, khi đời sống nâng cao, nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh đã và đang trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt là đến với Tam Chúc dường như ai ai cũng cảm nhận được những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống, đặc biệt là cảm giác thư thái sau những bộn bề công việc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhật Thăng - Tiến ĐạtDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.