Hà Nam quyết tâm phòng chống dịch sốt xuất huyết và tay - chân - miệng

Địa phương
01:46 PM 13/09/2023

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Sốt xuất huyết và tay-chân-miệng trên cả nước, tỉnh Hà Nam đang đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế tối đa sự lây lan.

Hà Nam không phải là địa phương có số ca sốt xuất huyết và tay-chân-miệng ở mức cao, song ở trong địa bàn tỉnh cũng có những ca nhất định. Tuy vậy, Hà Nam cũng không chủ quan trước diễn biến này. Các địa phương tại tỉnh Hà Nam tích cực thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay-chân-miệng.

Tại Phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý đã tổ chức các hoạt động dọn vệ sinh môi trường. Công tác tuyên truyền phổ biến thông tin cho người dân về dịch bệnh được thực hiện bằng việc rải tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống sốt xuất huyết đến người dân.

Hà Nam quyết tâm phòng chống dịch sốt xuất huyết và tay-chân-miệng   - Ảnh 1.

Cán bộ CDC Hà Nam tuyên truyền các nội dung về phòng chống sốt xuất huyết!

Theo Trưởng Trạm Y tế Phường Lương Khánh Thiện, do địa bàn phường từng có nhiều ổ dịch năm trước nên phường rất chú trọng công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Cán bộ Trạm Y tế thường xuyên chia nhau đi giám sát ổ dịch cũ, đẩy mạnh tuyên truyền trên nhóm zalo, trên loa truyền thanh của tổ dân phố và tuyên truyền trực tiếp đến các hộ gia đình.

Các đoàn kiểm tra tình hình phòng chống dịch ở địa phương có nguy cơ cao cũng đã diễn ra nhanh chóng để đảm bảo hạn chế tối đa khả năng dịch bùng phát. Hội Phụ nữ phường tổ chức tổng vệ sinh môi trường. Theo đó, các cán bộ y tế và Hội Phụ nữ phường Lương Khánh Thiện đã nhắc nhở người dân xử lý các loại chum vại không có nắp đậy, xô chậu đựng nước mưa. Ngoài ra, cán bộ y tế địa phương cũng đã đổ thuốc diệt muỗi, bọ gậy vào các chậu cây cảnh có nước.

Các địa phương khác tại Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cũng tích cực triển khai công tác phòng chống dịch Sốt xuất huyết ngay từ đầu năm, đặc biệt là giai đoạn đầu mùa hè.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC Hà Nam đã đề nghị Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý phối hợp với lực lượng chức năng các phường triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch sốt xuất huyết theo quy định như: Giám sát ca bệnh; tuyên truyền phòng bệnh; thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy truyền bệnh sốt xuất huyết; phun hóa chất diệt muỗi...

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý, bà Lại Thị Thanh Nga cho biết, ngay từ đầu năm nay, trung tâm đã chủ động tham mưu UBND thành phố Phủ Lý xây dựng kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết, cuối tháng 6 tham mưu tổ chức chiến dịch "Diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch sốt xuất huyết". Các hoạt động giám sát hoạt động phòng chống dịch được thực hiện nghiêm túc, đồng thời tuyên truyền trực tiếp về phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý còn phối hợp với các cơ quan tại từng địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cho đội ngũ cán bộ chủ chốt nhằm cung cấp thông tin và cách phòng chống dịch để tuyên truyền đến người dân.

Những biện pháp tích cực này đã mang lại hiệu quả đáng kể. Theo đó, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam, từ đầu năm đến ngày 30/8, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 93 trường hợp mắc/nghi mắc sốt xuất huyết, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm 2022 (355 trường hợp). Số ca mắc rải đều ở các huyện, thị, thành phố.   

Cùng với dịch sốt xuất huyết, bệnh tay-chân-miệng cũng là một bài toán cần được xử lý kịp thời. Tay chân miệng là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu Việt Nam. Hầu hết các trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng đều ở thể nhẹ và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh đang ngày càng gia tăng mức độ nguy hiểm. Tại Hà Nam, số ca mắc từ đầu năm tới cuối tháng 8 giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên vẫn không thể chủ quan vì năm học mới đã bắt đầu, thời tiết vẫn rất thuận lợi để lây lan dịch bệnh.

Các biện pháp phòng chống bệnh tay-chân-miệng cần được chú trọng thực hiện, đặc biệt là tại các trường mầm non, trường học. Theo đó, các trường cần chú ý vệ sinh sạch sẽ những bề mặt trẻ tiếp xúc hàng ngày như bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, dụng cụ học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường. Với trẻ phải theo dõi sát, khi phát hiện bị tay-chân-miệng cần đến cơ sở y tế khám để được điều trị đúng cách, hạn chế trẻ tiếp xúc với bạn để tránh lây lan.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả, thời gian tới, Trung tâm Y tế các địa phương cần tiếp tục phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ, kịp thời và xử lý các ca bệnh mắc, nghi ngờ mắc. Thực hiện giám sát véc tơ chủ động giám sát các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh truyền nhiễm…  

Minh Hùng
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.