Hà Nam xúc tiến đầu tư phát triển du lịch
Sáng 30/5, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Vesak, Khu Du lịch Tam Chúc (huyện Kim Bảng), UBND tỉnh Hà Nam trang trọng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2025 với chủ đề “Hà Nam - Kết nối và lan tỏa”.
Sự kiện là hoạt động chủ đạo của Tuần Văn hóa Du lịch Hà Nam năm 2025, nhận được sự quan tâm rất lớn của đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan báo chí, nhà đầu tư và các tập đoàn phát triển du lịch lớn trong và ngoài nước.
Dự hội nghị, có bà Phan Linh Chi - Phó Cục trưởng Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trương Quốc Huy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam; bà Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam; các đại biểu là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam và một số tỉnh lân cận...

Toàn cảnh Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2025.
Khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Anh Chức - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam - đã có bài phát biểu giới thiệu khái quát tiềm năng, lợi thế, sức bật mạnh mẽ của du lịch Hà Nam.
Theo đó, tỉnh Hà Nam hiện có trên 200 cơ sở lưu trú với hơn 4.000 phòng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao và một khách sạn cao cấp của Tập đoàn BRG đang được hoàn thiện. Ngoài ra, Hà Nam đã có 12 điểm du lịch được công nhận, góp phần hình thành hệ sinh thái sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng.
Đặc biệt, Khu du lịch Tam Chúc của Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đến năm 2030. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, tâm linh, cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái phong phú, Khu du lịch Tam Chúc đã trở thành điểm đến du lịch ấn tượng trên bản đồ du lịch Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt khách hàng năm, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của du lịch Hà Nam.
Theo quy hoạch, Hà Nam sẽ có 04 sân golf, trong đó 02 sân golf đã chính thức đi vào hoạt động, đưa du lịch thể thao, đặc biệt là du lịch golf trở thành sản phẩm mới, đẳng cấp, thu hút dòng khách cao cấp trong nước và quốc tế. Trong 5 tháng đầu năm 2025, tỉnh đón gần 6 triệu lượt khách, doanh thu đạt gần 4.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong 2 năm liên tiếp (2023 và 2024), Hà Nam vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh với các danh hiệu "Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới", "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á" và được trao Giải thưởng "Thành tựu đặc biệt".

Ông Nguyễn Văn Chức - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam - phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Anh Chức khẳng định, trong thời gian tới, Hà Nam sẽ tiếp tục định hướng phát triển du lịch nông thôn, dựa trên khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan đặc trưng vùng nông thôn Bắc Bộ. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân; đưa Hà Nam trở thành điểm đến văn minh, thân thiện, chất lượng cao, với những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc riêng.
Tại hội nghị, bà Phan Linh Chi - Phó Cục trưởng Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - phát biểu nhấn mạnh: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, được khẳng định tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 và Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030.
Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng, thể hiện rõ vai trò là ngành kinh tế tổng hợp có tính lan tỏa cao, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Tính chung 4 tháng năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 7,67 triệu lượt khách, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Mức tăng trưởng ấn tượng này cho thấy quá trình phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, với triển vọng đạt được quy mô tương đương giai đoạn trước đại dịch (so với năm 2019). Trong bối cảnh đó, vai trò của các địa phương, đặc biệt là các địa phương có tiềm năng du lịch đặc thù như Hà Nam, ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

Bà Phan Linh Chi - Phó Cục trưởng Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - phát biểu tại hội nghị.
Bà Phan Linh Chi nhấn mạnh, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá cao sự chủ động và quyết tâm của tỉnh Hà Nam trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, đặc biệt là việc cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
"Với chủ đề "Kết nối và lan toả", hội nghị hôm nay thể hiện rõ khát vọng và cam kết của tỉnh Hà Nam trong việc đồng hành cùng cả nước thúc đẩy du lịch trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. "Kết nối" ở đây không chỉ là sự gắn kết giữa trung ương và địa phương, giữa chính quyền và doanh nghiệp, mà còn là kết nối vùng, kết nối doanh nghiệp, kết nối sản phẩm và kết nối văn hóa. Qua đó, "Lan toả" giá trị văn hóa, bản sắc và hình ảnh một Hà Nam thân thiện, năng động, giàu bản sắc đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước", bà Phan Linh Chi chia sẻ.
Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, Hà Nam là địa phương có nhiều tiềm năng: hồ Tam Chúc - được mệnh danh là "Vịnh Hạ Long trên cạn", đầm Đới, hang Luồn, núi rừng tự nhiên; đến các di tích lịch sử - văn hóa nổi bật như chùa Bà Đanh, đền Trúc - Ngũ Động Sơn, các lễ hội dân gian đặc sắc và làng nghề thủ công truyền thống như làng dệt lụa Nha Xá, làng trống Đọi Tam… Đây là nền tảng vững chắc để tỉnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng - nhất là du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng và trải nghiệm cộng đồng.

Đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư và các tập đoàn phát triển du lịch lớn trong và ngoài nước tham dự hội nghị.
Không những vậy, Hà Nam nằm trên trục kết nối giao thông huyết mạch Bắc - Nam, gần các trung tâm lớn như Hà Nội, Ninh Bình, tạo lợi thế lớn trong việc kết nối tour, tuyến và thị trường khách. Chính điều này giúp Hà Nam không chỉ là điểm đến tiềm năng mà còn có thể lan tỏa hiệu ứng tích cực tới sự phát triển du lịch toàn vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô...
"Với sự đồng hành chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa doanh nghiệp và cộng đồng, tôi tin tưởng rằng du lịch Hà Nam đã - đang - sẽ phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực. Sự "kết nối" hôm nay sẽ là tiền đề để những giá trị văn hóa, cảnh quan, con người Hà Nam "lan tỏa" mạnh mẽ, bền vững và sâu rộng trong tương lai", bà Phan Linh Chi chia sẻ.
Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Trương Quốc Huy - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam - trân trọng cảm ơn ý kiến phát biểu định hướng chiến lược phát triển du lịch của lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư dành cho du lịch tỉnh Hà Nam. Đồng thời khẳng định, Hà Nam sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến quý báu của các đại biểu tại hội nghị.
Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, với quyết tâm khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn, tỉnh Hà Nam sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch, trọng tâm là hoàn thiện, triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt, nhất là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến năm 2030; Quy hoạch các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch.
Cùng với đó, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin; định hướng không gian phát triển vùng Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng du lịch Hà Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Hà Nam cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ, kết nối, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế;…

Quang cảnh hội nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2025, các doanh nghiệp, cơ quan báo chí, nhà đầu tư,… đã tham quan khu trưng bày ảnh đẹp du lịch Hà Nam; những hình ảnh về hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư của tỉnh những năm qua; tham quan trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu tỉnh Hà Nam.
Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Hà Nam đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với các đối tác là các tập đoàn, doanh nghiệp, câu lạc bộ lữ hành, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam ký kết hợp tác với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Quảng Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang.
Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2025 đã thành công tốt đẹp, trở thành diễn đàn quan trọng để chính quyền tỉnh Hà Nam trình bày quy hoạch, chính sách ưu đãi và tiềm năng phát triển du lịch đến các nhà đầu tư chiến lược. Tin tưởng rằng, với sự đồng hành của doanh nghiệp và chính quyền, sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, tỉnh Hà Nam sẽ trở thành điểm đến lý tưởng và điểm hẹn đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.
Nguyễn Hạnh
Từ 12/7 đến hết 27/7, Lễ hội Xòe sẽ được tổ chức tại Bản Mây, khu du lịch Sun World Fansipan Legend, mở ra một không gian độc đáo và thú vị để du khách được sống trong văn hóa đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc.