Hà Nội: 100% phương tiện giao thông sẽ được kiểm soát khí thải
Đến năm 2030, 100% phương tiện tham gia giao thông (bao gồm xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) tại Hà Nội sẽ được quản lý, kiểm soát về khí thải và từng bước chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.
Báo cáo của Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030” cho thấy, tính trung bình cả năm 2024, Hà Nội có tới 47 ngày chất lượng không khí ở mức "xấu". Số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ chiếm khoảng 22% tổng số ngày trong năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Từ tháng 10 đến tháng 12/2024, tại Hà Nội và một số tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ đã xảy ra 04 đợt ô nhiễm không khí kéo dài, trong đó đợt ô nhiễm không khí từ 16/12 đến 31/12 có mức độ ô nhiễm cao nhất.
Báo cáo cho biết, hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các khu đô thị. Theo số liệu kiểm kê phát thải PM2.5 tại khu vực Hà Nội từ khí thải phương tiện giao thông vận tải chiếm khoảng 15%, từ bụi đường khoảng 23%.
Trong khi đó, Hà Nội có tới 8 triệu xe máy lưu hành, chưa kể xe từ các tỉnh lân cận đổ về. Đây vừa là phương tiện đi lại, vừa là công cụ làm ăn của người dân.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị, dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025–2030” đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 100% phương tiện tham gia giao thông (bao gồm xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) tại Hà Nội được quản lý, kiểm soát về khí thải và từng bước chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.
Hà Nội sẽ thí điểm chính sách hỗ trợ tài chính, miễn/giảm phí cho học sinh, sinh viên khi sử dụng xe buýt, xe đạp công cộng.
Từ năm 2026-2028, Hà Nội cũng được giao thí điểm chính sách giới hạn số lượng xe máy đăng ký lưu hành mới, tiến tới ngừng cấp đăng ký xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, thực hiện đề án thí điểm chính sách giới hạn đăng ký xe máy mới tại một số quận trung tâm được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, xây dựng lộ trình cụ thể cho việc giới hạn và tiến tới ngừng cấp đăng ký xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có tính đến các giải pháp thay thế. Việc thực hiện thí điểm từ năm 2027, sau đó xây dựng lộ trình cụ thể.
Dự thảo Kế hoạch được xây dựng trên tinh thần 6 rõ của Chính phủ gồm "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền". Kế hoạch đặt mục tiêu tổng thể là tăng cường quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí trên phạm vi toàn quốc, từng bước khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn, nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu kiểm soát các nguyên nhân của ô nhiễm môi trường không khí, đồng thời cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường gắn với xây dựng đô thị văn minh, bao gồm thực hiện "xanh hoá" công trình xây dựng. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 1.000 công trình xây dựng xanh, thí điểm trang bị thiết bị lọc không khí tích hợp và hệ thống thông gió để đánh giá hiệu quả nhằm phổ biến, nhân rộng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định: "Kiểm soát ô nhiễm không khí là nhiệm vụ cấp thiết của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới".
Minh An
Dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư vẫn chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng, tính đến cuối tháng 4, người dân tiếp tục gửi thêm tiền tiết kiệm vào ngân hàng, đạt mức kỷ lục là hơn 7,53 triệu tỷ đồng.