Hà Nội: 126 xã, phường vận hành chính quyền địa phương hai cấp thông suốt, hiệu quả

Địa phương
10:59 AM 17/07/2025

Sau 15 ngày đầu chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, hoạt động của 126 xã, phường tại Hà Nội đang dần ổn định, không bị gián đoạn, tiếp nhận tới gần 67.000 hồ sơ thủ tục hành chính…

Chiều 16/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội và trực tuyến đến 126 xã, phường.

Báo cáo về tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức, vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn thành phố, do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hồng Nhật trình bày tại hội nghị, cho thấy: Ngay từ những ngày đầu triển khai mô hình, Thành ủy Hà Nội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm bộ máy mới nhanh chóng vận hành thông suốt, hiệu quả.

Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định chỉ định 2.552/4.076 đồng chí tham gia Ban Chấp hành; 1.047/1.356 đồng chí tham gia Ban Thường vụ; 125/126 bí thư; 251/252 phó bí thư; 125/126 phó chủ tịch HĐND; 240/252 phó chủ tịch UBND. 

Đồng thời ban hành Hướng dẫn số 11-HD/TU, ngày 14/7/2025 về thực hiện công tác cán bộ tại các xã, phường trực thuộc TP sau sắp xếp đơn vị hành chính, làm cơ sở để các xã, phường tiếp tục rà soát, đề xuất kiện toàn đối với các chức danh còn thiếu, đảm bảo hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ trước khi tổ chức Đại hội Đảng bộ xã, phường lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 theo chỉ đạo của T.Ư.

Hà Nội: 126 xã, phường vận hành chính quyền địa phương hai cấp thông suốt, hiệu quả- Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong và các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội

Bên cạnh đó, 126/126 xã, phường đã tổ chức họp Ban Chấp hành Đảng bộ, thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đảng ủy. Đồng thời, 30 xã, phường nơi đặt trụ sở trung tâm chính trị (quận, huyện, thị xã cũ) đã thành lập Trung tâm chính trị khu vực để phục vụ chung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ công chức, cán bộ đảng viên.

Về phía HĐND các xã, phường, 600 nghị quyết đã được ban hành, tập trung vào thành lập cơ quan chuyên môn, chương trình kỳ họp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 100% Đảng ủy xã, phường đã thành lập chi bộ, đảng bộ cơ sở tại các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có đủ điều kiện. Một số địa phương đã thí điểm thành lập Đảng bộ doanh nghiệp với trên 200 đảng viên.

Tình trạng thiếu con dấu, quy chế làm việc hay cán bộ phụ trách tại các đơn vị mới được khắc phục kịp thời… Toàn bộ các xã, phường đã ban hành quy chế làm việc, bố trí đủ cán bộ, công chức, đảm bảo hoạt động hành chính và phục vụ người dân diễn ra bình thường. Đến nay có 126/126 đảng ủy xã, phường đã làm dấu cho các cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp của đảng ủy; 67/126 xã, phường đã có công văn và hồ sơ đề nghị làm dấu cho các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Hiện còn 59 Đảng ủy xã, phường đang hoàn thiện hồ sơ để làm dấu cho các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy.

Đáng chú ý, cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Số thủ tục hành chính cấp xã tăng lên 559 thủ tục, gần 67.000 hồ sơ được tiếp nhận trong 15 ngày đầu, trong đó 14% qua trực tuyến; hệ thống iHanoi tiếp nhận trên 3.500 phản ánh, tổng đài 1022 xử lý gần 1.800 cuộc gọi, các đại lý dịch vụ công tại 476 điểm giúp người dân giải quyết nhanh gọn 61 thủ tục thiết yếu.

Các hệ thống văn bản điện tử, chữ ký số được thiết lập, hơn 230.000 văn bản đã xử lý qua mạng. Đặc biệt, công tác bàn giao, sắp xếp trụ sở, trang thiết bị được hoàn tất tại 100% xã, phường, mỗi địa phương còn được thành phố bố trí thêm 500 triệu đồng để chủ động mua sắm trang thiết bị cần thiết.

Bên cạnh kết quả đáng khích lệ, quá trình triển khai còn bộc lộ hạn chế. Một số xã, phường chưa đủ cán bộ chủ chốt, nhất là phó bí thư, phó chủ tịch UBND, HĐND; tỷ lệ cán bộ chuyên trách HĐND có kinh nghiệm còn thấp, một số nơi bố trí biên chế chưa cân đối, nhân sự kiêm nhiệm nhiều, đội ngũ công nghệ thông tin còn mỏng. Hạ tầng kỹ thuật tại bộ phận "một cửa", phòng tiếp dân chưa đồng bộ...

Trước tình hình đó, Thành ủy Hà Nội xác định các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội; rà soát, hoàn thiện quy chế, quy trình phù hợp mô hình hai cấp; đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhất là về đất đai, thủ tục hành chính, tài chính, xây dựng; thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm hoạt động bộ máy ổn định, liên tục.

Thành phố cũng chú trọng tổ chức tốt đại hội đảng bộ xã, phường theo đúng hướng dẫn, chuẩn bị kỹ nhân sự, nâng cao chất lượng văn kiện, đồng thời tiếp tục lãnh đạo đại hội Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sau khi hoàn thành đại hội đảng bộ.

Thành ủy Hà Nội đề xuất Trung ương sớm sửa đổi các quy định về công tác cán bộ, chức năng nhiệm vụ tổ chức cơ sở Đảng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi), quy định cụ thể về tổ chức HĐND để phù hợp với mô hình hai cấp.

Cùng với đó, Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành bộ thủ tục hành chính cấp xã, hoàn thiện hướng dẫn phân cấp, quy chế phối hợp giữa các cấp, đầu tư đồng bộ hạ tầng số, đẩy nhanh triển khai phần mềm phục vụ thủ tục hành chính và giám sát... 

Hà Nội: 126 xã, phường vận hành chính quyền địa phương hai cấp thông suốt, hiệu quả- Ảnh 2.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kết luận hội nghị - Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận và biểu dương tinh thần chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền 126 xã, phường và các sở, ngành thành phố trong việc tổ chức, vận hành chính quyền địa phương sau sắp xếp. Trong thời gian ngắn, thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhưng các địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động thông suốt, không phát sinh vấn đề phức tạp.

Đặc biệt, nhiều xã, phường đã thể hiện tinh thần gần dân, sát dân, tổ chức gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nhân dân và phát huy tinh thần cầu thị, học hỏi trong đội ngũ cán bộ, công chức. Thành phố cũng đánh giá cao các sở, ngành đã ngày - đêm đồng hành cùng cơ sở, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, giúp địa phương đi vào ổn định nhanh chóng.

Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, sở ngành cần tiếp tục duy trì sự ổn định, tập trung xây dựng chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trước mắt là tổ chức thành công Đại hội đảng bộ 126 xã, phường lần thứ Nhất, triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng trên 8%, thực hiện tốt các ngày lễ lớn, chăm lo chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội.

Các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, dựa vào dân để tạo đồng thuận, tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, tài chính, đất đai…

Từ nay đến tháng 10/2025 là giai đoạn cao điểm về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cấp xã về những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu như: công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý lý đất đai, kế toán… Từ đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu toàn TP từ cấp xã trở lên của từng ngành, từng lĩnh vực, vị trí công tác để có một cơ sở dữ liệu dùng chung toàn TP để xác định ngành nào cần đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng. Trước mắt, tận dụng tối đa nguồn cán bộ từ trong hệ thống, ngay cả đội ngũ cán bộ không chuyên trách.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu đẩy mạnh số hóa tài liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành. Đối với phân cấp, phân quyền, Thành ủy và UBND TP sẽ sớm hoàn thiện các cơ chế phù hợp, tạo điều kiện để cơ sở phát huy vai trò chủ động trong quản lý kinh tế - xã hội.

Để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị phát động cao điểm về tổng vệ sinh môi trường trên toàn TP trên tinh thần “dọn nhà đón khách, đón Tết Độc lập”, tiến tới xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, đây không phải việc nhỏ, mà là biểu hiện rõ nét nhất của nếp sống văn minh đô thị, đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc, kiên trì của mỗi địa phương. Thành phố sẽ phát động phong trào sâu rộng, nhưng điều quan trọng là phải làm sao để việc tổng vệ sinh trở thành tự giác, tự nguyện từ trong mỗi người dân.

Huyền My
Ý kiến của bạn