Hà Nội: 4 cây cầu vượt sông Hồng dự kiến khởi công trong năm 2024

Địa phương
07:42 AM 20/02/2024

Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ có tổng cộng 16 cây cầu vượt sông Hồng, tạo điều kiện thuận lợi kết nối liền mạch giữa các trung tâm kinh tế - chính trị; giữa các vùng địa phương và các đô thị vệ tinh. Riêng trong năm 2024, Hà Nội dự kiến khởi công 4 cây cầu vượt sông Hồng.

Lấy cảm hứng từ cánh chim hòa bình, 1 trong 4 dự án cầu sẽ khởi công ở Hà Nội trong năm nay. Cầu Thượng Cát được xây dựng bắc qua sông Hồng sẽ góp phần phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, với thành phố phía Bắc Thủ đô trong tương lai và tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngoài cầu Thượng Cát, 3 cây cầu còn lại là Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở cũng sẽ được xây dựng trong năm nay. 

Cầu Vân Phúc dự kiến thực hiện trong quý I/2024 - quý IV/2027. Trong quá trình thi công bố trí 2 đội thi công gồm 1 đội thi công đường theo kiểu cuốn chiếu gồm 35 người và 1 đội thi công cầu 35 người.

Dự kiến trong quý I/2024, dự án sẽ phát quang và giải phóng mặt bằng. Quý II/2024 đến quý IV/2025, dự án sẽ thi công tuyến đường nối từ Quốc lộ 32 đến đê Ngọc Tảo. Quý I/2026 đến quý IV/2026 sẽ làm cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc. Quý I/2027 đến quý III/2027 sẽ thi công Cầu Vân Phúc qua sông Hồng. Quý IV/2027 sẽ nghiệm thu công trình và đi vào vận hành.

Hà Nội: 4 cây cầu vượt sông Hồng dự kiến khởi công trong năm 2024- Ảnh 1.

Vị trí xây cầu Vân Phúc. Ảnh: google map

Tổng mức đầu tư của dự án là 3.444 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng tạm tính là 112 tỉ đồng; chi phí xây dựng là 2.507 tỉ đồng; chi phí dự phòng chiếm 449 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án là 376 tỉ đồng.

Cầu Vân Phúc bắc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra Quốc lộ 32 dài 7,7 km. Điểm đầu tại vị trí giao cắt Quốc lộ 32, thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối ở ranh giới của Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.

Phần cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội rộng 20,5 m, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Phần đường nối từ Quốc lộ 32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc rộng 32 m, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội.

Việc xây cầu Vân Phúc nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh thành lân cận trong vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hồng Hà và Mễ Sở là 2 cây cầu trên Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt cho phát triển của Thủ đô Hà Nội. Cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà bắc qua sông Hồng và cầu Hoài Thượng bắc qua sông Đuống (thuộc dự án Vành đai 4) dự kiến sẽ khởi công dịp 10/10/2024.

Được biết, cuối tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc xây dựng cầu Mễ Sở vượt sông Hồng. Theo đó, dự án có chiều dài khoảng 13,8 km, chiều rộng là 17m với tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỉ đồng.

Hiện nay, UBND TP Hà Nội đề xuất Bộ GTVT xem xét vị trí xây cầu Mễ Sở trên vành đai 4, cách trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín, khoảng 600m về phía hạ lưu. Ở huyện Văn Giang, đường dẫn lên cầu chạy qua các xã Mễ Sở, Thắng Lợi và cạnh đường dây điện 500KV.

Hà Nội: 4 cây cầu vượt sông Hồng dự kiến khởi công trong năm 2024- Ảnh 2.

Phối cảnh cầu Mễ Sở. Ảnh: UBND TP.Hà Nội

Cầu Hồng Hà giao cắt với đường Hồng Hà, đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa Trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai, thuộc xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) nối với xã Văn Khê (huyện Mê Linh).

Cầu Hồng Hà dài 6 km, tổng mức đầu tư ước khoảng 9.800 tỉ đồng. Ban đầu, cây cầu có lộ trình triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo quy hoạch, phía Bắc cây cầu nằm tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía Nam tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Cầu giao cắt với đường Hồng Hà đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa Trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai.

Ngoài 4 cầu sẽ được khởi công năm nay, theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 4 cây cầu nữa nối đôi bờ sông Hồng, gồm cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi và Phú Xuyên.

Hơn 100 năm trước, Long Biên là cây cầu sắt đầu tiên nối hai bờ sông Hồng của Hà Nội, trở thành một phần lịch sử của thành phố. Nhiều cây cầu khác lần lượt ra đời những năm sau này tạo nên diện mạo mới ngày càng hiện đại hơn cho thành phố.

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn