Hà Nội: 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cơ cấu lại nền kinh tế
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Kế hoạch nêu rõ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Về mục tiêu chung, Thành phố sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững…
Về mục tiêu cụ thể, Thành phố phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP 7,5-8%; cơ cấu ngành kinh tế: Dịch vụ 65-65,5%, công nghiệp - xây dựng 22,5-23%, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 1,4-1,6%; tốc độ tăng năng suất lao động 7-7,5%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 30%; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%
Thành phố cũng phấn đấu tỉ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Giảm tối thiểu 20% đầu mối tổ chức bên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng dưới 3%. Số lượng hợp tác được thành lập và hoạt động khoảng 2.500 hợp tác xã.
Kế hoạch cũng nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các chỉ tiêu trên. Trong đó, tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bố và sử dụng các nguồn lực.
Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.
UBND Thành phố giao các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức thực hiện kế hoạch này, nhất là triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đề ra. Tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong kế hoạch.
Đồng thời, tổ chức đánh giá 6 tháng và hằng năm lồng ghép vào báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm giai đoạn 2021-2025 theo yêu cầu, tiến độ; báo cáo sơ kết giữa kỳ và tổng kết cuối kỳ kết quả thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII và các kế hoạch triển khai của UBND Thành phố, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện theo yêu cầu, tiến độ.
Quang Lộc (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.