Hà Nội: 9 cơ sở sản xuất sẽ di dời ra khỏi nội đô trong 5 năm tới

Chính sách
03:42 PM 10/08/2023

UBND Hà Nội vừa có quyết định về việc ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn (đợt 1).

Theo đó, 9 cơ sở sản xuất phải di dời khỏi nội đô trong 5 năm tới gồm 2 đơn vị tại quận Hoàn Kiếm, 2 đơn vị tại quận Thanh Xuân, 2 đơn vị tại quận Long Biên và Ba Đình, Đống Đa, Bắc Từ Liêm mỗi quận 1 đơn vị. Tổng diện tích đất di dời đợt đầu tiên gần 520.000 m2. Đây là các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Hà Nội: Di dời 9 cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô trong vòng 5 năm - Ảnh 1.

Danh sách 9 cơ sở nhà, đất phải di dời khỏi nội đô Hà Nội. Ảnh: VnExpress

Hai khu đất có diện tích lớn nhất trong đợt di dời này là nhà máy xe lửa Gia Lâm (hơn 20,3 ha) và tổng kho xăng dầu Đức Giang (gần 16 ha). Theo quy hoạch, sau khi nhà máy xe lửa tại 551 Nguyễn Văn Cừ di dời, khu đất này được xác định chức năng là đất công cộng của thành phố. Khu đất tổng kho xăng dầu tại 26 phố Đức Giang sẽ có chức năng đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở mới, đất cây xanh, bãi đỗ xe, đất công cộng.

Danh mục cơ sở phải di dời còn bao gồm cả Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, Nhà máy Bia Hà Nội, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, 3 cơ sở là các công ty in...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, những cơ sở nhà đất này do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch phải di dời thuộc thẩm quyền quy định điểm b khoản 1 Điều 21 mục 2 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Kế hoạch di dời các cơ sở này trong vòng 5 năm, kể từ khi UBND thành phố phê duyệt danh mục. Trong đó, đối với nhà, đất thuộc danh mục phải di dời nêu trên nhưng thuộc đối tượng thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, không thực hiện theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

Nhà máy Bia Hà Nội tại 183 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) là 1 trong 9 cơ sở sản xuất phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. (Ảnh internet).

Nhà máy Bia Hà Nội tại 183 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) là 1 trong 9 cơ sở sản xuất phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội. Ảnh: internet

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì cùng các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát danh mục nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ) đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch để đề xuất UBND thành phố xin ý kiến HĐND thành phố xem xét có ý kiến để bổ sung danh mục bảo đảm tiến độ kế hoạch di dời được thành phố phê duyệt.

Căn cứ danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời được duyệt, Sở Tài chính chủ trì, thực hiện đề xuất việc lập phương án xử lý, hình thức xử lý nhà, đất tại vị trí cũ khi di dời theo quy định...

Đối với nhà, đất phải di dời do ô nhiễm môi trường, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lập danh mục theo quy định.

Trước đó, năm 2016, tại báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong số này, nhiều nhất là quận Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân... Tuy nhiên, đến nay, vẫn rất ít nhà máy, cơ sở sản xuất có thể hoàn thành việc di dời ra khỏi nội đô Hà Nội.

Việc chậm di dời cơ sở công nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính ra khỏi nội đô đang gây ra nhiều áp lực về môi trường, hạ tầng đô thị cho khu vực trung tâm Hà Nội. Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vẫn duy trì hoạt động sản xuất và một số cơ sở đã dừng sản xuất, nhưng vẫn chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí, bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung Thủ đô.

Có chuyên gia ý kiến, với nhiệm vụ cấp thiết này, Hà Nội cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất, nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đơn vị nào cố tình chây ỳ, không thực hiện di dời khi đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất.

An Mai
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.