Hà Nội: Ban hành 39 văn bản thi hành Luật Thủ đô trong năm 2024
Về tiến độ xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô, TP. Hà Nội sẽ soạn thảo, ban hành 114 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt; trong đó, năm 2024 ban hành 39 văn bản, các văn bản còn lại được ban hành trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Chiều 5/9, tại phiên họp của Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn đã triển khai Quyết định số 4279/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Trong đó, Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô có 3 nhiệm vụ chính gồm: Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố trong công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô; phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan của Trung ương về thi hành Luật Thủ đô; điều phối, gắn kết việc triển khai thi hành Luật Thủ đô với việc triển khai thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô.
Về văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tham gia xây dựng 6 nghị định, gồm: Nghị định quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân phường của Hà Nội; Nghị định quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp; Nghị định quy định chi tiết về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm; Nghị định quy định chi tiết Luật Thủ đô về hợp đồng xây dựng - chuyển giao và Nghị định quy định về thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Về tiến độ xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô, theo thẩm quyền được giao, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ soạn thảo, ban hành 114 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt; có 87 văn bản là Nghị quyết do Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành và 27 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân Thành phố. Trong 114 văn bản, tiến độ trong năm 2024 ban hành 39 văn bản, các văn bản còn lại được ban hành trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Tổ công tác xác định rõ các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản để tổ chức thi hành Luật Thủ đô.
Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của việc soạn thảo, ban hành các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị Sở Tư pháp với vai trò cơ quan thường trực Tổ công tác xác định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện như tổ chức hội thảo, tọa đàm, đề xuất thuê chuyên gia… nhằm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt thi hành Luật Thủ đô, báo cáo Thành phố xem xét.
Đối với danh mục văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt phải ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các đơn vị cần tuân thủ đúng thời gian trình UBND Thành phố và HĐND Thành phố xem xét theo quy trình, thủ tục để ban hành văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Thủ đô 2024.
Thương HuyềnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.