Hà Nội: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Khu phố cổ trong tái thiết đô thị
Khu phố cổ “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử - là một trong những di sản văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Gìn giữ, phát huy giá trị di sản phố cổ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thúc đẩy du lịch phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và của cả cộng đồng.
"Hồn cốt" của kinh đô Thăng Long
Nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm, Khu phố cổ Hà Nội bao gồm 78 tuyến phố, được xác định bởi phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật; với 121 công trình, di tích đền, chùa, miếu và nhiều công trình nhà ở có giá trị, trong đó có hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Có thể kể đến những di tích nổi tiếng như: Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân...
Theo Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan, Khu phố cổ Hà Nội có vị trí đặc biệt trong nội đô lịch sử và cả Thủ đô Hà Nội, là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, Khu phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền. Hiện nay, Khu phố cổ Hà Nội đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Với những giá trị này, Khu phố cổ đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 2004, được tập trung nguồn lực, triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh thương mại - du lịch.
Còn với NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, khu vực phố cổ là nơi chứa đựng "hồn cốt" của kinh đô Thăng Long, có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Thăng Long xưa và Hà Nội nay.
Phố cổ là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc. Các lĩnh vực văn học, nghệ thuật như kiến trúc, văn nghệ dân gian, văn học, điện ảnh, múa, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật… đều có đóng góp tích cực trong việc góp phần bảo tồn di sản phố cổ.
Ngày nay, trước nhu cầu phát triển của một đô thị hiện đại, những giá trị to lớn của phố cổ đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là những vướng mắc trong “bài toán” bảo tồn và phát triển. Là di sản “sống”, lại nằm giữa Thủ đô, Khu phố cổ Hà Nội có mật độ dân số dày đặc, các hoạt động kinh tế luôn sôi nổi, văn hóa đa dạng. Vì thế, việc giữ gìn hình thái không gian, kiến trúc cảnh quan còn gặp nhiều khó khăn, trong khi biện pháp cải thiện điều kiện sống bên trong các tuyến phố, nhà cổ xuống cấp vẫn chưa đồng bộ.
Giữ gìn bản sắc, tạo đà phát triển du lịch di sản
Với những giá trị di sản còn hiện hữu, Khu phố cổ Hà Nội thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến với Thủ đô. Chính vì vậy, chú trọng công tác quy hoạch, quản lý di sản văn hóa, kết hợp với bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Việc quản lý di sản văn hóa đúng cách sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại.
Thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về giá trị văn hóa Khu phố cổ Hà Nội thông qua các hoạt động văn hóa, các hoạt động tương tác, hội thảo, triển lãm… đã thực sự góp phần vào việc nâng cao nhận thức của người dân, giúp cho du khách trong và ngoài nước có những hiểu biết về di sản, về quyết tâm bảo vệ Khu phố cổ Hà Nội của chính quyền quận Hoàn Kiếm.
Bên cạnh đó, những dự án triển khai trong Khu phố cổ Hà Nội về chỉnh trang các phố, trùng tu, tôn tạo các di tích, các dự án xây dựng, cải tạo trụ sở cơ quan, trường học đã đem lại một diện mạo mới cho Khu phố cổ, góp phần làm đẹp thành phố, cải thiện điều kiện sống cho người dân, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Khu phố cổ Hà Nội.
"Diện mạo khu phố cổ Hà Nội và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã có nhiều đổi thay ngày càng khang trang, sạch đẹp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, góp phần ổn định cho nguồn thu ngân sách quận", bà Trần Thị Thuý Lan Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết.
Không thể phủ nhận, trong tiến trình phát triển qua hơn 10 thế kỷ của Hà Nội, khu vực phố cổ như một thực thể sống mạnh mẽ, là nơi chứa đựng nhiều giá trị di sản đặc sắc. Trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, với bản sắc riêng có của mình, Khu phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, để giải quyết được những tồn tại, thách thức trong việc bảo tồn di sản phố cổ Hà Nội, xứng đáng với danh hiệu là Di tích Quốc gia và hiện thực được mục tiêu xây dựng Hà Nội thành đô thị văn minh, phát triển bền vững, trong giai đoạn tới cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, TP. Hà Nội, của cộng đồng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Thương HuyềnTrong báo cáo mới cập nhật, SSI Research dự báo ngành hàng không Việt Nam trong năm 2025 dự kiến sẽ được tiếp sức mạnh mẽ nhờ ba yếu tố then chốt.