Hà Nội: Biểu dương các quận vận động hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu mở cửa sau 9 giờ sáng
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành thông cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020; Nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 và các tháng còn lại của năm 2020.
UBND TP Hà Nội biểu dương các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm… đã thực hiện nghiêm túc việc vận động các hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu mở cửa hoạt động sau 9 giờ sáng.
Cụ thể, ngày 29/5/2020, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chủ trì Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác tháng 5, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2020.
Trong tháng 5 và năm tháng đầu năm 2020, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố đã có nhiều cố gắng, nỗ lực tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2020, đặc biệt là các công tác phòng chống dịch Covid-19 song song với khôi phục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đạt thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép được Chính phủ đề ra. Sau khi dịch bệnh được kiềm chế, kiểm soát, thành phố đã bắt tay ngay vào các biện pháp tái khởi động sản xuất, kinh doanh, khôi phục nền kinh tế trong tình hình mới.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước triển khai sớm gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1757/QĐ-UBND của UBND thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai rất kịp thời, hiệu quả việc hướng dẫn, chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo thuộc thành phố gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đến nay, tỷ lệ chi trả toàn thành phố đã đạt 99,9% với số tiền khoảng 474,1 tỷ đồng, quá trình thực hiện chưa phát hiện có sai sót, tiêu cực. Công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh đang được tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Thành phố đã xét duyệt cho vay từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho 22.926 lao động với số tiền 1.009 tỷ đồng và duyệt trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 22.188 người với số tiền 496,2 tỷ đồng.
UBND thành phố cũng biểu dương các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm… đã thực hiện nghiêm túc việc vận động các hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu mở cửa hoạt động sau 9 giờ hằng ngày, đồng thời linh hoạt trong các biện pháp quản lý, kịp thời hỗ trợ người dân. Ghi nhận bước đầu cho thấy, mật độ phương tiện tham gia giao thông vào các giờ sáng đã giảm đáng kể, hạn chế cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong các giờ cao điểm.
Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Công Thương đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trở lại, đẩy mạnh chuẩn bị tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa trong 6 tháng cuối năm.
Đánh giá các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020, hầu hết chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều tăng so với tháng 4. Tuy nhiên, lũy kế 5 tháng nhiều chỉ tiêu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng doanh thu ngành vận tải, dịch vụ hỗ trợ tháng 5 tăng 34,7% so tháng 4, giảm 0,3% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm giảm 6,5% (cùng kỳ tăng 11,7%). Tổng lượng khách du lịch 5 tháng đầu năm giảm 65,5% (cùng kỳ tăng 4,7%), trong đó khách quốc tế giảm 64,8% (cùng kỳ tăng 4,4%).
Riêng thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 1.056 triệu USD. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 12,54 nghìn tỷ đồng. Có 10.034 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 147,29 nghìn tỷ đồng, giảm 13% về số lượng nhưng tăng 14% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; 1.019 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 16%); 5.928 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 39%); 2.877 doanh nghiệp hoạt động trở lại (bằng cùng kỳ năm 2019)…
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới được tập thể UBND thành phố đề ra là tập trung khôi phục mạnh mẽ nền kinh tế, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện mục tiêu này, UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của thành phố, các hoạt động thương mại, bán hàng dưới nhiều hình thức để thu hút người dân, doanh nghiệp tăng cường trao đổi, giao thương hàng hóa; tổ chức tháng khuyến mại của thành phố, dự kiến trong 2 tháng (tháng 6 và 7/2020) nhằm khuyến khích nhu cầu mua sắm, kích cầu tiêu dùng nội địa...
UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Ngoại vụ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội triển khai quyết liệt các nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển năm 2020” vào cuối tháng 6 này.
UBND thành phố cũng giao chỉ tiêu cho UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai các giải pháp, biện pháp khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, đặc biệt là khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, phấn đấu đạt được 30.000 doanh nghiệp thành lập trong năm 2020.
Để tăng cường công tác thu thuế, thu hồi nợ đọng thuế, UBND thành phố giao Cục Thuế thành phố chủ động gặp, trao đổi, đề nghị các doanh nghiệp chấp hành tốt quy định về nộp thuế đúng thời hạn. Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu.
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.