Hà Nội: Các khu di tích, bảo tàng đẩy mạnh chuyển đổi số
Chuyển đổi số là đòn bẩy khách quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là văn hoá, thể thao và du lịch. Hiểu được điều này, nhiều điểm tham quan di tích lịch sử, bảo tàng tại Hà Nội đã bước đầu triển khai một số hoạt động liên quan tới chuyển đổi số.
Ứng dụng công nghệ tại các khu di tích, bảo tàng
Văn Miếu Quốc Tử Giám đã thực hiện số hoá một số nội dung, giá trị của 40 hạng mục của di tích, để mã hoá thành các QR code cho khách tham quan. Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám (Trung tâm) cũng đã triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ.
Trong năm 2022, Trung tâm đã triển khai một số hoạt động như xây dựng cơ sở dữ liệu vật thể và phi vật thể tại di tích; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin; triển khai phát triển ứng dụng, các tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện chất lượng phục vụ cho khách tham quan và phát huy giá trị của di tích.
Bên cạnh việc số hóa hiện vật, ứng dụng tham quan ảo, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khởi động chương trình mở “Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh” miễn phí, du khách trải nghiệm chuyển đổi số với 1 chạm, 4 thao tác cùng nhiều ứng dụng du lịch tiện ích khác.
Thông qua Thẻ Việt trong hoạt động du lịch, du khách được trải nghiệm tham quan các điểm đến du lịch thuận tiện, an toàn, đặc biệt có cơ hội sử dụng một hệ sinh thái các tiện ích công nghệ như đặt vé máy bay, khách sạn, mua vé điện tử vào điểm tham quan, mua sắm trực tuyến, tra cứu bản đồ số du lịch.
Đáng chú ý, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang "ấp ủ" một sản phẩm hoàn toàn mới, đón khách tham quan về đêm tại khu di tích với trải nghiệm công nghệ hiện đại: 3D Mapping.
Công nghệ 3D Mapping sẽ cho phép dựng mô hình có tỷ lệ và kích thước tương đương với sản phẩm thật, và sau đó thông qua trình chiếu dưới dạng 3D. Ứng dụng công nghệ này rất thích hợp nếu triển khai tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi tổ chức các tour tham quan vào ban đêm.
Giống như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã gặt hái thành công với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Đây là nền tảng đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh, bài viết), kết hợp sơ đồ chỉ dẫn trưng bày và hướng dẫn du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thông qua thiết bị định vị iBeacon. Ứng dụng cho phép du khách xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định vị trí hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc...
Từ đó, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trực tiếp hoặc trực tuyến mọi lúc và mọi nơi. Ra đời trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu bị tê liệt thời gian dài do đại dịch Covid-19, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn duy trì đều đặn tương tác với khách tham quan, hỗ trợ du khách tìm hiểu về các hiện vật của bảo tàng này.
Mới đây, một số địa phương cũng triển khai ứng dụng công nghệ 360 độ, giúp du khách trải nghiệm du lịch trên không gian số. Điển hình là quận Ba Đình triển khai dự án “Số hóa di tích lịch sử”, giúp du khách trải nghiệm tour du lịch ảo “Ba Đình 360 độ” trên điện thoại thông minh, tái hiện 5 địa danh nổi tiếng trên địa bàn quận, gồm: Đền Voi Phục, Hoàng thành Thăng Long, đền Quán Thánh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Quận Tây Hồ cũng đưa hoạt động trải nghiệm du lịch 360 độ tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn từ đầu tháng 9/2022, giúp du khách hiểu hơn tiềm năng du lịch của địa phương.
Chuyển đổi số tạo đột phá cho các bảo tàng, khu di tích
Việc sử dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh đang được triển khai ngày càng nhiều tại các bảo tàng, khu di tích ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh sự thuận tiện, nâng cao trải nghiệm cho du khách, các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ còn mang đến hình ảnh hiện đại, thông minh tại các điểm di tích quan trọng của Hà Nội.
Do đó, ngành du lịch Thủ đô xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch chuyên nghiệp và chất lượng hơn.
Theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng các ứng dụng, công nghệ là để tăng thêm tính trải nghiệm cho du khách, chứ không phải là phương thức thay thế trải nghiệm thực tế. Việc đưa các ứng dụng công nghệ số, trải nghiệm 3D, thực tế ảo là một phần của việc nâng cấp chất lượng dịch vụ. Để thu hút du khách, các địa phương, đơn vị cần chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ và các dịch vụ trải nghiệm thực tế.
Sở Du lịch Hà Nội khuyến khích các đơn vị đầu tư, triển khai nhiều sản phẩm du lịch có ứng dụng công nghệ, nhất là hình thức mua vé trực tuyến, tra cứu thông tin điện tử, bản đồ số…, giúp du khách thuận tiện hơn khi trải nghiệm du lịch. Ngoài ra, việc đầu tư ứng dụng công nghệ để nâng cấp chất lượng dịch vụ cần phải thực hiện bài bản, thường xuyên, chứ không chỉ là những sản phẩm mang tính nhất thời.
Mỗi bảo tàng, di tích cũng cần xác định sự thích ứng cần thiết trong điều kiện mới. Ngoài hình thức tham quan trực tiếp, hình thức tham quan trực tuyến sẽ trở thành một xu thế tất yếu, lâu dài. Vì vậy, các bảo tàng, di tích cần chú trọng đặt lên hàng đầu yếu tố công nghệ, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa... Tuy nhiên, về lâu dài cần phải chú ý tính đồng bộ, có chiến lược phù hợp giữa nội dung và hạ tầng công nghệ.
Sự chuyển đổi này sẽ giải quyết, bổ sung hiệu quả cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền bá giá trị di sản, truyền thông và thuyết minh.
An MaiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.