Hà Nội cấm xe máy khu vực nội đô từ năm 2025: Có quá nóng vội?

Diễn đàn
02:25 PM 08/12/2021

TP. Hà Nội nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành, trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chưa đủ điều kiện và không khả thi.

Hà Nội rút ngắn lộ trình cấm xe máy vào năm 2025

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030. Đáng chú ý, lần này UBND thành phố Hà Nội đưa ra kế hoạch thực hiện hạn chế xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.

Theo đó, từ sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.

Hà Nội cấm xe máy khu vực nội đô từ năm 2025: Có quá nóng vội? - Ảnh 1.

Hà Nội sẽ cấm xe máy một số tuyến đường từ Vành đai 3 trở vào, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.

Đề án này ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và các chuyên gia giao thông. Đa số hoài nghi về tính khả thi của đề án khi cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì “dục tốc bất đạt” là điều khó tránh.

Là người được mời tham gia lấy ý kiến và dự các hội nghị thảo luận cho Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 (Đề án quản lý phương tiện giao thông), ông Nguyễn Hồng Tuyến, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, nói rằng, về chủ trương, ông ủng hộ việc hạn chế, tiến tới giảm hoạt động xe máy trong khu vực nội đô.

Về lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành từ Vành đai 3 trở vào vừa được UBND đề xuất, thậm chí cả mốc thời gian năm 2030 theo kế hoạch Nghị quyết 04 năm 2017 của HĐND thành phố Hà Nội, ông chưa đồng tình.

Ông Tuyến phân tích, để dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) phải đáp ứng được 30 đến 35% nhu cầu, với giai đoạn chuẩn bị 2017 - 2020, đạt từ 20 đến 25% nhu cầu. “Nhưng hiện nay, con số này mới 17%. Vậy khi thành phố cấm xe máy, người dân sẽ đi lại bằng gì? Do vậy, không chỉ năm 2030 mà đến năm 2050, nếu vận tải vẫn chưa đạt đến 50% nhu cầu đi lại của người dân thì thành phố chưa nên đặt ra vấn đề cấm xe máy. Ở Việt Nam, ngoài phương tiện, xe máy còn là công cụ để mưu sinh”, ông Tuyến nói.

Không có sự chuẩn bị tốt, thất bại là khó tránh khỏi…

Trao đổi với báo chí, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, đây là vấn đề đã được bàn đi bàn lại nhiều năm nay. Để dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận, mấu chốt cơ bản là phải có hạ tầng, phải phát triển được giao thông công cộng để phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, ông Thuỷ khẳng định, hiện nay các phương tiện vận tải công cộng tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Phương tiện vận tải hành khách công cộng được coi là “chủ lực” - xe buýt thời gian qua vẫn chưa được cải thiện. Thậm chí do ảnh hưởng của dịch COVID-19, suốt một thời gian dài xe buýt phải "đắp chiếu", khi hoạt động lại cũng chỉ được 50% công suất.

Hà Nội cấm xe máy khu vực nội đô từ năm 2025: Có quá nóng vội? - Ảnh 2.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ

Đặc biệt, loại hình buýt nhanh – BRT, với một làn đường riêng, trị giá hơn 1.000 tỉ đồng cũng ì ạch sau một hai năm đưa vào vận hành thử nghiệm. Trong khi đó, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội triển khai nhiều năm qua đang trong tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, mịt mù ngày về đích. Hiện tại sau nhiều lần đốc thúc, mới chỉ có tuyến Cát Linh-Hà Đông được bàn giao và đưa vào hoạt động.

Với tình hình giao thông hiện tại, ông Thuỷ cho biết, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân ở mức rất thấp. Do đó, phương tiện đi chính vẫn chủ yếu phụ thuộc vào giao thông cá nhân, trong đó chủ yếu là xe máy.

Ông Thuỷ cho rằng chỉ khi nào phương tiện công cộng đạt được con số 40% nhu cầu đi lại thì mới có thể cấm được xe máy.

Còn theo chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình, Hà Nội cần làm rõ tính khả thi của việc rút ngắn lộ trình cấm xe máy từ năm 2025, thay cho năm 2030, cũng như năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông công cộng trong 5 năm tới.

Ông Bình phân tích, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được đưa vào sử dụng, sắp tới Hà Nội có thêm tuyến Nhổn - ga Hà Nội, mỗi tuyến đáp ứng tối đa 5-7% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Tuy nhiên, khu vực phía đông, phía bắc của thành phố chưa có phương tiện giao thông cộng cộng năng lực vận tải lớn.

Hà Nội cấm xe máy khu vực nội đô từ năm 2025: Có quá nóng vội? - Ảnh 3.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông vừa được đưa vào khai thác thương mại. Ảnh: Phạm Đông

Cùng quan điểm, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội cho rằng, ủng hộ đề án nhưng đề xuất năm 2025 mà cấm xe máy nội đô là quá vội vàng.

“Hà Nội xem đã chuẩn bị gì cho việc cấm xe máy này. Hiện nay phương tiện kết nối còn chưa có, xe buýt năng lực vận tải quá yếu, trong khi đường sắt đô thì thì mới chỉ có duy nhất 1 tuyến Cát Linh – Hà Đông cũng chưa phát huy tác dụng. Buýt nhanh BRT coi như thất bại và “phá sản rồi”. Vậy mà tính đến năm 2025 cấm xe máy thì thật sự quá nóng vội, sẽ lại thất bại…”, TS Đặng Đình Đào phân tích.

Từ nhận định đó, ông Đào phân tích, Hà Nội nên có sự chuẩn bị tốt điều kiện “cần” là phát triển hạ tầng giao thông công cộng, để điều kiện “đủ” là người dân tự giác bỏ xe cá nhân, tham gia giao thông công cộng.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.