Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và logistic

Chính trị - xã hội
12:10 AM 14/08/2020

Hà Nội trên thực tế là trung tâm mạnh nhất cả nước về thương mại điện tử, tuy nhiên để phát triển bền vững, Thành phố cần tiếp tục xây dựng một số hạ tầng thương mại điện tử quan trọng để phát triển, đặc biệt là gắn với logistic và thương mại truyền thống. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hà Nội chặt chẽ về vấn đề này.

Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và logistic - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu ý kiến tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, chiều 13/8.

Đây là cuộc làm việc thứ 6 của Thành ủy Hà Nội (đã làm việc với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, NN&PTNT, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông) trong kế hoạch làm việc với 8 Bộ, ngành Trung ương nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của Thành phố trong giai đoạn tới.

Xây dựng môi trường đầu tư hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Thành phố đang tích cực chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII để trình Bộ Chính trị xem xét thông qua; đồng thời chuẩn bị những giải pháp để thực hiện hiệu quả các mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025. Thành ủy Hà Nội đã có các cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng các Bộ, ngành để xin ý kiến đóng góp vào Dự thảo báo cáo chính trị.

Trong đó, việc đánh giá đúng các lĩnh vực để đề ra các giải pháp trong thời gian tới có vai trò rất quan trọng và các cuộc làm việc với các Bộ, ngành liên quan sẽ giúp thành phố xác định các nhiệm vụ trọng tâm cho các mốc phát triển các năm 2025-2030-2045.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phân tích, ngành công thương bao gồm công nghiệp và thương mại là hai lĩnh vực rất quan trọng quyết định tăng trưởng của nền kinh tế nói chung của cả nước và của Hà Nội; đóng góp trong giải quyết việc làm, thu nhập, ngoài ra còn giúp cân đối cung cầu hàng hóa, giúp bình ổn thị trường, giảm lạm phát, kích thích các ngành khác phát triển...

Nêu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của TP. Hà Nội để giúp Bộ và các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Hà Nội là hình mẫu đưa ra bài học kinh nghiệm về cơ chế chính sách, điều hành, vì vậy, trong chiến lược sắp tới của Hà Nội sẽ phải bao gồm nhiều các nhiệm vụ có vai trò của các Bộ, ngành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đồng tình với chủ trương định hướng của Thành phố mang tính dài hạn đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045 mang tính chiến lược, khả thi, có tính thực tiễn, cho phép khai thác tốt dư địa và cơ hội đang mở ra cho Hà Nội. Nêu vấn đề về bối cảnh hội nhập sâu rộng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu Hà Nội cần xác định rõ không gian công nghiệp, không gian kinh tế trong các lĩnh vực, mở rộng ra là hệ sinh thái của từng lĩnh vực.

Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và logistic - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

 Từ thực tiễn của Hà Nội, một số nhóm giải pháp Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn Hà Nội tập trung tổ chức triển khai là: Tạo cơ chế chính sách cho nguồn lực phát triển, xây dựng thể chế, môi trường đầu tư hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nhân có năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Để làm được điều này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu 3 yếu tố cần tập trung hoàn thiện sớm, đó là: Cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, đây là môi trường tốt để chuyển đổi số trong tương lai; thứ hai là quy hoạch và phát triển hệ thống logistic; thứ ba là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thị trường, trong đó cả hạ tầng năng lượng, giao thông, thương mại...

Trong chương trình phối hợp hai bên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sắp tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hà Nội chặt chẽ để phát triển thương mại điện tử trên địa bàn, gắn với liên kết với các vùng khác trên cả nước và quốc tế.

Hợp tác cụ thể về công nghiệp-năng lượng-thương mại

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu 22 nội dung hợp tác cụ thể giữa Hà Nội và Bộ Công Thương trên 3 lĩnh vực lớn: Công nghiệp, năng lượng và thương mại.

Trên cơ sở tư duy và tầm nhìn để phát triển ngành công nghiệp, Bộ Công Thương và Hà Nội sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phát vào ngành sản xuất sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức. Phấn đấu giai đoạn tới tỷ trọng công nghiệp-xây dựng-thương mại chiếm khoảng 23%.

Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và logistic - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ Công Thương và TP Hà Nội ký kết Quy chế phối hợp. Ảnh: VGP

 Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ Hà Nội đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp tại Sóc Sơn, Đông Anh...; phối hợp, hỗ trợ xúc tiến đầu tư FDI vào khu công nghệ cao Hòa Lạc; tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư kinh doanh, ưu tiên dự án sử dụng công nghệ cao mới; hỗ trợ  đào tạo nhân lực; phối hợp nâng tầm triển lãm hội trợ ngành công thương.

Về lĩnh vực năng lượng, Bí thư Thành ủy đề nghị Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo, sắp xếp đủ vốn và các nguồn lực do tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Tổng Công ty Điện lực thành phố sớm thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Bên cạnh đó hướng dẫn Thành phố lập phương án cấp điện theo quy hoạch, hướng dẫn triển khai quản lý quy hoạch, phát triển ngành điện tại địa phương, giải quyết kịp thời vướng mắc trong phát triển điện lực. Thành phố cũng tăng cường phối hợp với Bộ trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và bền vững.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Bộ phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình, đề án về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực. Hướng dẫn trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Trong lĩnh vực thương mại, đề nghị Bộ hỗ trợ Thành phố xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phục vụ các sự kiện lớn của thành phố. Hỗ trợ Thành phố triển khai có hiệu quả đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025; hướng dẫn thành phố trong quá trình nghiên cứu thí điểm triển khai mô hình mới hoạt động logistic. Tổ chức các khoá đào tạo, hỗ trợ kết nối thương mại điện tử với các sàn thương mại lớn trên thế giới, hỗ trợ phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cung ứng sản phẩm hàng hoá. Hỗ trợ Hà Nội trong giới thiệu các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Gia Huy
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.