Hà Nội: Cập nhật ảnh hưởng ban đầu của bão số 3
Ngày 7/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã có báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó với bão số 3 (bão Yagi) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, hồi 10 giờ ngày 07/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, Từ chiều và đêm nay 07/9, có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10; có nơi gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ chiều tối đến đêm ngày 07/9.
Từ nay đến sáng 09/9, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông (mưa to đến rất to tập trung từ chiều ngày 07/9 đến sáng 08/9), lượng mưa 200 - 300mm, có nơi trên 400mm.
Do ảnh hưởng của mưa to với cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, tầng hầm của một số tòa nhà khu chung cư, nhà dân, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội với độ sâu ngập từ 0,2-0,5m, có nơi trên 0,5m thời gian duy trì mỗi đợt ngập từ 30-60 phút, có nơi thời gian ngập lâu hơn.
Ngay khi có các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai bất lợi và các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố; các cấp, các ngành đã chủ động triển khai các văn bản, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Một số nhiệm vụ, phương án cụ thể tiếp tục được triển khai gồm: chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định; rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu (đặc biệt là việc rút kinh nghiệm đối với các đợt thiên tai trước đây, rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất...) nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân ở mức cao nhất, chú trọng đảm bảo an toàn cho học sinh những ngày đầu năm học mới (chủ động chỉ đạo các trường cho toàn bộ học sinh trên địa bàn thành phố nghỉ học ngày 07/9/2024).
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, đến thời điểm 06h00 ngày 7/9/2024, trên địa bàn thành phố không có điểm úng ngập. Công ty tiếp tục vận hành các trạm bơm: Trạm bơm Đồng Bông 1 (mới) vận hành 3/3 bơm; Trạm bơm Cổ Nhuế vận hành 2/4 bơm; Trạm bơm DPS (Bắc Thăng Long - Vân Trì) vận hành 01/04 bơm; Trạm bơm Yên Sở vận hành 6/15 bơm khẩn cấp, 0/5 bơm thông thường.
Về tình hình thiệt hại, tính đến 07h00’ ngày 07/9/2024, trên địa bàn thành phố có 7 người bị thương vong do cây đổ; có 402 cây đổ, cành gãy, trong đó cây đổ là 200 và 202 cành gãy; một số cột điện bị gãy đổ làm mất điện khoảng 2.517 hộ gia đình; 3 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, 1 chuồng bò bị sập mái; 252 hộ gia đình mất điện (đã được cấp trở lại).
UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của trung ương và thành phố; tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc; chủ động, kịp thời triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và ảnh hưởng sau bão; báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố theo quy định.
Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.